Theo đó, hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines chỉ được giao dịch trong phiên chiều từ ngày 12/7 do hãng hàng không quốc gia chậm công bố báo cáo tài chính 2022 kiểm toán quá 45 ngày so với quy định.
Cổ phiếu HVN bị đưa vào diện kiểm soát do có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến ngày 30/6/2022 là 28,9 ngàn tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu âm gần 4,9 ngàn tỷ.
Đồng thời, HVN còn thuộc diện cảnh báo từ ngày 11/7 vì công ty chưa tổ chức đại hội thường niên 2023 quá 6 tháng kể từ khi kết thúc năm tài chính. Vietnam Airlines cho biết sẽ tổ chức đại hội trước ngày 30/8.
Theo báo cáo tài chính quý 4/2022, Vietnam Airlines tiếp tục thua lỗ năm thứ ba liên tiếp với 10,4 ngàn tỷ đồng trong năm 2022, vốn chủ sở hữu âm nặng 10 ngàn tỷ đồng.
Sau báo cáo này, Sở GDCK TPHCM đã có lưu ý về khả năng hủy niêm yết của cổ phiếu HVN. Do đó, nếu Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2022 vẫn lỗ trong và vốn chủ tiếp tục âm thì cổ phiếu HVN có thể bị hủy niêm yết.
Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 5/7, cổ phiếu HVN đóng cửa đỏ điểm tại mức 14.250 đồng/cp, nhưng vẫn ghi nhận tăng gần 8% trong vòng 3 tháng qua, vẫn giảm 8,6% tính cả năm. Thanh khoản cũng khá sôi động khi bình quân hơn 1,45 triệu đơn vị được sang tay mỗi phiên.
Vừa qua, Vietnam Airlines ước doanh thu hợp nhất 6 tháng đầu năm đạt 45,25 ngàn tỷ đồng, tăng 49% so cùng kỳ năm trước và cao hơn kế hoạch khoảng 1 ngàn tỷ đồng.
Dù doanh thu hồi phục mạnh, nhưng Vietnam Airlines cho biết vẫn còn nhiều khó khăn trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, thị trường nội địa vẫn ở mức cao hơn năm 2019 nhưng đã có dấu hiệu giảm 10-15%. Trong khi thị trường quốc tế phục hồi rất chậm, chỉ mới bằng 70% so với trước dịch, đặc biệt các thị trường quan trọng của Vietnam Airlines như Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, thậm chí Nhật Bản.
Ngoài ra, đồng Yên của Nhật Bản mất giá mạnh thời gian gần đây cũng ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines.