Cụ thể, doanh thu thuần quý 1 giảm mạnh 43% về còn 728 tỷ đồng. Giá vốn chiếm tới 706 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp về mức gần 22 tỷ đồng, giảm mạnh tới 76% so cùng kỳ.
Thêm vào đó, kỳ này chi phí lãi vay của Vietravel đột biến gấp 8,6 lần khi chiếm gần 21 tỷ đồng.
Do đó, sau khi trừ các loại chi phí khác, Vietravel lỗ ròng tới gần 47 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi gần 5 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ quý thứ 2 liên tiếp của Vietravel khi quý 4/2019 lỗ gần 13 tỷ đồng.
Sở dĩ Vietravel tăng mạnh chi phí lãi vay do vay nợ tài chính chiếm tới 917 tỷ đồng. Tiền mặt giảm mạnh từ 107 tỷ đầu kỳ xuống còn 67 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietravel trong kỳ tiếp tục ghi âm gần 10 tỷ đồng và hoạt động đầu tư cũng âm 8 tỷ đồng, do đó, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm hơn 40 tỷ đồng.
Hiện Vietravel đã chi 700 tỷ góp vốn vào Công ty TNHH Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines). Đây cũng chính là khoản đầu tư vào công ty con lớn nhất của Vietravel.
Vừa qua, ngày 3/4 Thủ tướng đã đồng ý thành lập hãng hàng không lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines).
Hãng sẽ khai thác các chuyến bay trên máy bay Airbus, Boeing hoặc tương đương. Hãng có 3 máy bay trong năm đầu tiên, sau đó tăng dần lên 8 tàu bay vào năm thứ năm khai thác.
Vietravel Airlines chọn địa điểm khai thác chính là cảng hàng không quốc tế Phú Bài (Thừa Thiên Huế), được hoạt động trong 50 năm và có tổng vốn đầu tư 700 tỷ đồng, trong đó 100% là vốn chủ sở hữu.
Theo quyết định phê duyệt, hãng sẽ khai thác, kinh doanh từ tháng thứ 10 nhận chủ trương đầu tư. Điều này đồng nghĩa, đầu năm 2021 có thể hãng sẽ bay chuyến thương mại đầu tiên.
Hãng đặt mục tiêu cung cấp khoảng 55% số ghế để đáp ứng khoảng 35-40% nhu cầu của khách du lịch bằng đường hàng không tại công ty mẹ Vietravel. 45% số ghế còn lại cung ứng cho các công ty du lịch và các khách hàng khác trên các chuyến bay thuê chuyến.
Với mạng bay nội địa, Vietravel Airlines chủ trương chọn các cảng hàng không thứ cấp như Chu Lai cho khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi; Vân Đồn và Hải Phòng cho khu vực Quảng Ninh, Hà Nội, Hải Phòng; Cần Thơ cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm tránh ùn tắc.