Không lo vốn tín dụng sẽ đắt hơn

Dù nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh hút tiền gửi tiết kiệm online với lãi suất cao, nhưng các chuyên gia cho rằng điều đó không làm tăng lãi suất cho vay.

Nhiều ngân hàng đã và đang tăng, hoặc cộng thêm lãi suất cho tiền gửi online, mức tăng khá bình quân từ 0,8-1,5 điểm phần trăm, tính cả lãi suất thưởng theo các chương trình ưu đãi, tri ân khuyến mãi… tùy theo kỳ hạn từ 6 tháng.

br class=

Mức lãi suất online cao nhất đang thuộc về SCB với lãi suất từ 8,21- 8,66% cho kỳ hạn 6 và 12 tháng.

Hút tiết kiệm online lãi suất cao

Khảo sát sơ bộ cho thấy, mức lãi suất online cao nhất hiện đang thuộc về SCB với lãi suất từ 8,21- 8,66%/năm cho kỳ hạn 6 và 12 tháng. Với các ngân hàng nhỏ, lãi suất huy động 6 tháng dao động từ 6,8-7,3%/năm tùy nhà băng.

Các ngân hàng giải thích việc ưu tiên cho huy động kỳ hạn dài hơn dưới 6 tháng và lãi cao hơn so với tại quầy nhằm thúc đẩy người tiêu dùng quen với giao dịch tài chính online, phù hợp với xu hướng giảm tiếp xúc, giảm sử dụng tiền mặt trong mùa dịch. Và chính nhờ việc “neo” lãi suất huy động cao ở kênh online, dù không chiếm tỷ trọng lớn trong tổng huy động nhưng hầu hết các ngân hàng đã tăng trưởng chỉ số này theo kết quả quý I/2020.

Bước sang quý II, huy động và dư nợ được cho là có những tín hiệu kém hơn khi diễn biến dịch bệnh phức tạp đã khiến Việt Nam phải trải qua 2 tuần cách ly xã hội. Theo đó, đã xuất hiện tình trạng các cá nhân, tổ chức rút vốn. Bản thân các ngân hàng thương mại cũng gia tăng rút tiền gửi tại NHNN và các tổ chức tín dụng.

Chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng khó khăn của dịch đã khiến doanh nghiệp, tổ chức phải rút tiền gửi để trang trải cầm cự kinh doanh, trả định phí, trong khi người dân bị đứt thu nhập khi cách ly cũng phải rút tiền gửi để chi tiêu và dẫn đến hiện tượng này. “Nếu diễn biến dịch bệnh còn kéo dài tới tháng 5 thì tôi rất lo cho thanh khoản của các ngân hàng vào tháng 6 tới”, ông Hiếu nói.

Duy trì cho vay lãi suất thấp

Diễn biến huy động và các tín hiệu căng thẳng thanh khoản ngân hàng, đi cùng là nguy cơ lạm phát có thể tăng cao, khiến các doanh nghiệp lo ngại giá vốn tín dụng sẽ tăng và càng khó tiếp cận hơn.

Dù vậy, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia tài chính, đánh giá về cơ bản một số ngân hàng đã chịu giảm lợi nhuận theo chủ trương, đặc biệt là nhóm big 4, nhóm này chiếm khoảng 50% thị phần tín dụng, do đó dư nợ cho vay lãi suất thấp, hợp lý sẽ được duy trì. Bên cạnh đó, các ngân hàng huy động vốn kỳ hạn càng ngắn, thì lãi suất càng thấp, trong khi cho vay ra thì kỳ hạn càng dài, lãi suất lại càng cao. Điểm này sẽ giúp ngân hàng tối ưu hoá lợi nhuận và việc tăng huy động vốn dài hạn (từ trên 6 tháng qua kênh online) cũng được tính như khoản đón đầu bù đắp dự phòng rủi ro, đồng thời hướng đến thực hiện quy định giảm tỷ lệ huy động ngắn hạn, cho vay trung- dài hạn.

Theo Lê Mỹ/Diễn đàn doanh nghiệp

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN