VRE: Rủi ro lớn hơn hay cơ hội nhiều hơn?

Theo Chứng khoán Yuanta, rủi ro giao dịch với các bên liên quan trên bảng cân đối kế toán của VRE là khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 35,6% tổng tài sản tính đến cuối quý 2/2024.
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của CTCP Vincom Retail (HoSE: VRE) ghi nhận doanh thu đạt 4.733 tỷ đồng, tăng 15% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng tăng gần 4% lên 2.104 tỷ đồng.
VRE đã hoàn thành 41% mục tiêu doanh thu thuần cả năm và 48% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Hoạt động kinh doanh cho thuê cốt lõi vẫn duy trì ổn định với doanh thu cho thuê đạt 3.867 tỷ đồng (chiếm 82% tổng doanh thu), đi ngang so với cùng kỳ.
Doanh thu bán shophouse trong 6 tháng tăng 3,7 lần so cùng kỳ khi có 149 căn shophouse (tăng 5,2 lần so cùng kỳ) được bàn giao tính từ đầu năm đến nay (bao gồm 148 căn tại Quảng Trị và một căn tại Hải Phòng). VRE dự kiến sẽ hoàn tất việc bàn giao shophouse tại Quảng Trị trong năm 2024, tương đương với việc đạt được khoảng 230 tỷ đồng tổng giá trị hợp đồng đặt trước trong 6 tháng cuối năm.
VRE đã khai trương thử (soft-launched) trung tâm thương mại (TTTM) Vincom Mega Mall (VMM) Grand Park và khai trương hai TTTM Vincom Plaza (VCP) mới (VCP Điện Biên Phủ & VCP Hà Giang) vào tháng 6. Ban lãnh đạo dự kiến khai trương thêm 2 TTTM nữa trong 6 tháng cuối năm (VCP Bắc Giang vào tháng 7 và VCP Đông Hà Quảng Trị vào tháng 9). Nhưng đối với VMM Ocean Park, việc khai trương đã được dời lại đến tháng 4/2025.
VRE: Rui ro lon hon hay co hoi nhieu hon?
 
Theo Chứng khoán Yuanta, rủi ro giao dịch với các bên liên quan trên bảng cân đối kế toán của VRE là khoảng 18,6 nghìn tỷ đồng, tương đương 35,6% tổng tài sản tính đến cuối quý 2/2024, tăng 8,6 điểm phần trăm so với con số 26,9% vào cuối năm 2023.
Rủi ro của các bên liên quan chủ yếu bao gồm tiền đặt cọc, các khoản phải thu khác với Vinhomes (VHM) và các đơn vị liên quan (16,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 31,0% tổng tài sản) mà Yuanta cho rằng là một phần trong hoạt động kinh doanh bình thường của VRE.
Các rủi ro liên quan khác bao gồm khoản cho vay ngắn hạn 2,4 nghìn tỷ đồng (4,6% tổng tài sản) đối với Vinfast trong quý 1/2024 (so với mức gần như bằng 0 tại quý 4/2023).
Theo VRE, các khoản cho vay đối với VHM gồm có hai hàng rào đảm bảo: 1) Số tiền vay phải được ký quỹ tại ngân hàng trong nước và chỉ được sử dụng cho mục đích đã nêu (tức để phát triển dự án); 2) VRE tin vào vị thế thanh khoản mạnh mẽ, năng lực vận hành và khả năng tạo ra lợi nhuận nhanh chóng của VHM thông qua các chiến lược như bán buôn.
Việc VRE cho VHM mượn tài sản giúp đẩy nhanh quá trình phát triển tiền dự án như thanh toán sớm phí sử dụng đất, giúp VHM đảm bảo có thể thực hiện các dự án lớn với chi phí hợp lý. Ban lãnh đạo cho rằng VRE cũng được hưởng lợi từ chiến lược này khi sẽ có được đất xây dựng các TTTM với giá cả phải chăng.
Rủi ro lớn hơn hay cơ hội nhiều hơn? Từ góc độ quản lý rủi ro, một số nhà đầu tư có thể tin rằng tất cả các khoản rủi ro của các bên liên quan nên duy trì dưới mức 5% tổng tài sản.
Quan điểm của Yuanta là mặc dù điều này chắc chắn đúng với khoản cho vay trực tiếp đối với VFS (4,6% tổng tài sản), nhưng các rủi ro của bên liên quan khác (tức tiền đặt cọc và cho mượn tài sản đối với VHM) có liên quan đến hoạt động kinh doanh và lợi thế cạnh tranh của VRE so với các công ty cùng ngành, và không hoàn toàn coi đó là rủi ro. Ngược lại, trong điều kiện bình thường điều này nên được xem là cơ hội tăng trưởng của VRE.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN