Vinatex chỉ lãi 6 tỷ do thiếu hụt đơn hàng, chưa bằng 50% kịch bản xấu nhất

Các doanh nghiệp của Vinatex tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do cầu thấp, người lao động thiếu việc làm trong quý 2/2023.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, UPCoM: VGT) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với doanh thu thuần 3.909 tỷ đồng, suy giảm 17% so cùng kỳ 2022.
Lợi nhuận gộp đạt mức 203 tỷ đồng, giảm mạnh gần 72% so cùng kỳ. Tương ứng tỷ suất lãi gộp biên chỉ hơn 5% thấp hơn nhiều so mức 15% của cùng kỳ.
Lợi nhuận từ liên doanh liên kết kỳ này cũng giảm 20,5% so cùng kỳ. Ngược lại, lợi nhuận khác gấp 14,6 lần cùng kỳ với 44 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau cùng Vinatex cũng chỉ lãi ròng vỏn vẹn 6 tỷ đồng trong quý 2/2023, lao dốc 98% so mức 336 tỷ đồng của cùng kỳ 2022.
Theo giải trình của Vinatex, tiếp nối những khó khăn của thị trường từ cuối năm 2022 sang đầu năm 2023, các doanh nghiệp của Vinatex tiếp tục phải đối mặt với việc thiếu hụt đơn hàng cả về số lượng và đơn giá do cầu thấp. Đơn hàng thiếu hụt, người lao động thiếu việc làm.
Để đảm bảo duy trì việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp của Vinatex buộc phải nhận những đơn hàng giá thấp song vẫn cố gắng đảm bảo mức lương cho người lao động bình quân trên 8 triệu đồng/người/tháng (trong khi với mức giá của các đơn hàng nhận được thì mức lương bình quân chỉ đạt dưới 6 triệu đồng/người/tháng).
Điều này làm ảnh hưởng trọng yếu đến lợi nhuận hợp nhất của Tập đoàn, đặc biệt với ngành dệt may là ngành có số lượng lao động rất lớn.
Còn với công ty mẹ, lợi nhuận giảm chủ yếu do việc trích lập dự phòng giảm giá các khoản đầu tư đối với các đơn vị thành viên là 75 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước được hoàn nhập dự phòng 14 tỷ đồng. 
Vinatex chi lai 6 ty do thieu hut don hang, chua bang 50% kich ban xau nhat
 
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần cũng ở mức 8.118,7 tỷ đồng, giảm 15% so cùng kỳ. Lãi ròng ở mức 62 tỷ đồng, cũng chỉ bằng 12% so mức 535 tỷ của cùng kỳ 2022.
Cho năm 2023, Vinatex đưa ra 3 kịch bản, trong đó với kịch bản tốt, Vinatex giả định ngành sợi có hiệu quả trở lại ngay từ quý 3 và 4 với tỷ suất lợi nhuận/doanh thu đạt lần lượt là 1% và 2%, ngành may phấn đấu quý 3 hiệu quả tương đương quý 2, quý 4 hiệu quả tăng 10% so quý 3. 
Do đó, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu giảm nhẹ 11% so năm trước, về mức 17.500 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế còn giảm mạnh hơn tới 50% về còn 610 tỷ đồng.
Với kịch bản trung bình, Vinatex giả định dự kiến ngành sợi hoà vốn, không có hiệu quả trogn quý 3 và 4. Thị trường tiêu thụ sợi lớn nhất hiện tại là Trung Quốc vừa giảm về lượng nhập khẩu, vừa phải chấp nhận giảm giá nếu tiếp tục muốn bán thì kịch bản ngành sợi hoà vốn trong quý 3 và 4 đạt được cũng đã rất khả quan. Ngành may thiếu đơn hàng, dự kiến lao động ngừng việc trong quý 3. 
Do đó, Vinatex đặt kế hoạch doanh thu khoảng 16.500 tỷ, giảm 16% so năm 2022. Lợi nhuận đạt khoảng 450-500 tỷ đồng. 
Kịch bản xấu nhất của Vinatex là doanh thu đạt khoảng 15.500 tỷ, giảm 25% so năm 2022. Lợi nhuận hợp nhất đạt khoảng 200 tỷ đồng. 
Ở kịch bản này, Vinatex giả định ngành sợi hoà vốn, không có hiệu quả trong quý 3 và 4 tương tự kịch bản trung bình. Trong khi ngành may dự kiến 30-35% lao động ngừng việc trong quý 3. Áp lực duy trì thu nhập bình quân 9,7 triệu đồng/người như năm 2022 cho 65.000 lao động trực tiếp trên báo cáo hợp nhất của Vinatex là rất lớn, khoảng 630 tỷ đồng/tháng. 
Trong trường hợp quý 3 xảy ra thiếu đơn hàng thực sự, buộc phải ngừng việc cho khoảng 30-35% lao động nói trên để duy trì lực lượng lao động (không chấm dứt hợp đồng lao động), với mức lương tối thiểu phải trả là 4,68 triệu đồng/người, mỗi tháng Vinatex phải chi trả lương tối thiểu khoảng 100 tỷ đồng trong khi không có doanh thu, quý 3 sẽ lỗ gần 300 tỷ đồng chi phí lương để duy trì lao động. 
Như vậy, Vinatex đều cách rất xa kế hoạch lợi nhuận ở cả 3 kịch bản.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của Vinatex giảm 4,5% so đầu kỳ, về mức 19.126 tỷ đồng. Trong đó lượng tiền mặt giảm nhẹ xuống 591 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng chiếm 2.409 tỷ đồng; Các khoản phải thu ngắn hạn giảm nhẹ xuống 2.112 tỷ đồng; Hàng tồn kho giảm đáng kể xuống 2.282 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinatex đang đầu tư tài chính dài hạn hơn 2.942 tỷ đồng.
Về cơ cấu nợ phải trả 9.979 tỷ đồng, Vinatex đang vay nợ tài chính 6.644 tỷ đồng.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN