Tổng CTCP Khoang và Dịch vụ Khoan Dầu khí (HoSE: PVD) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với doanh thu thuần 1.413 tỷ đồng, giảm 6% so cùng kỳ 2022.
Tuy nhiên giá vốn lại giảm 23% về còn 1.054 tỷ đồng. Do đó lợi nhuận gộp đạt tới 358 tỷ đồng, gấp gần 3 lần cùng kỳ, tương ứng tỷ suất lãi gộp biên cải thiện lên 25,3% so mức 8,1% của cùng kỳ.
Thêm vào đó, PVD ghi nhận lợi nhuận khác tới 54 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 15 tỷ đồng.
Nhờ đó, lợi nhuận sau thuế lại đạt tới 155 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ gần 74 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ còn tăng cao hơn lên 161 tỷ đồng, dù cùng kỳ lỗ 60 tỷ đồng.
|
Kết quả kinh doanh quý 2/2023 của PVD |
Theo PVD, do quý 2/2023 không phát sinh doanh thu giàn khoan thuê trong khi cùng kỳ vẫn có 1 giàn khoan thuê. Đồng thời doanh thu các dịch vụ liên quan đến khoan giảm do khối lượng công việc giảm.
Bù lại, tăng doanh thu cho thuê giàn khoan tự nâng do tăng nhẹ hiệu suất sử dụng và đơn giá cho thuê giàn quý 2/2023 tăng hơn 30% so quý 2/2022. Thêm vào đó, PVD ghi nhận một khoản thu nhập từ thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với khách hàng và tăng lãi liên doanh.
Cũng lưu ý, quý vừa qua, PVD tăng chi phí lãi vay do Libor tăng cao hơn so cùng kỳ.
Tính chung 6 tháng, doanh thu thuần của PVD xấp xỉ cùng kỳ với 2.637 tỷ đồng. Nhưng giá vốn giảm mạnh nên lợi nhuận gộp hơn 596 tỷ đồng, gấp 3 lần cùng kỳ. Do đó, lợi nhuận sau thuế PVD đạt 227 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 116 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 6/2023, tổng tài sản của PVD vẫn ở mức 20.865 tỷ đồng, trong đó lượng tiền mặt giảm 15% xuống mức 1.756 tỷ đồng; Tiền gửi ngân hàng tăng gấp đôi lên 888 tỷ đồng: Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 16% lên 2.512 tỷ đồng; Hàng tồn khi vẫn duy trì ở mức 906 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nợ phải trả 6.585 tỷ đồng, PVD đang vay nợ tài chính ngắn hạn 706 tỷ đồng và dài hạn 2.847 tỷ đồng, giảm nhẹ so đầu kỳ.
Trên thị trường, cổ phiếu PVD đã hồi phục khá tới 26% trong vòng 3 tháng qua, lên quanh mức 26.450 đồng/cp trong phiên ngày 28/7. Thanh khoản cũng khá sôi động khi bình quân hơn 5,5 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.
Vừa qua, Chứng khoán VietCap kỳ vọng PVD sẽ có được các hợp đồng dịch vụ khoan và dịch vụ giếng khoan trị giá 2 tỷ USD, tương ứng lợi nhuận sau thuế là 267 triệu USD trong giai đoạn 2026-2050.
VietCap nâng giá mục tiêu cho PVD thêm 15% lên 30.000 đồng/cổ phiếu và duy trì khuyến nghị khả quan. Giá mục tiêu cao hơn của VietCap chủ yếu do nâng giả định tốc độ tăng trưởng cuối cùng từ 0,5% lên 2,0% để phản ánh tiềm năng dài hạn của dự án Lô B.
VietCap ước tính rằng PVD có thể cung cấp 2 giàn khoan tự nâng và các dịch vụ giếng khoan cho Lô B, thu về 44 triệu USD lợi nhuận sau thuế (khoảng 16% lãi ròng của PVD) trong giai đoạn 2026-2027.