Vinatex báo lãi đậm trong mùa dịch nhờ đơn đặt hàng tăng mạnh

Vinatex báo lãi sau thuế quý 2 đạt 391 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ, trong đó lãi ròng đạt 193 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ. 
Tập đoàn Dệt may Việt Nam (VGT) đã công bố BCTC hợp nhất quý 2/2021 với doanh thu thuần đạt 3.707 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ, giá vốn hàng bán chỉ tăng hơn 12% nên lãi gộp đạt 563 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với quý 2/2020.
Trong kỳ, Vinatex có hơn 91 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, tăng 20% so với cùng kỳ. Chi phí tài chính lại giảm đáng kể từ 95 tỷ đồng trong quý 2/2020 xuống còn 68 tỷ đồng.
Mặt khác, hoạt động liên kết có lãi hơn 128 tỷ đồng, giảm 12% so với cùng kỳ.
Kết quả, khấu trừ các khoản chi phí, Vinatex báo lãi sau thuế 391 tỷ đồng, gấp 3,3 lần cùng kỳ, trong đó lãi ròng đạt 193 tỷ đồng, gấp 9 lần cùng kỳ. Đây là mức lãi kỷ lục mà Vinatex từng ghi nhận trong suốt lịch sử hơn 26 năm hoạt động.
Vinatex bao lai dam trong mua dich nho don dat hang tang manh
 
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2021, Vinatex đạt 7.085 tỷ đồng doanh thu thuần, lãi sau thuế đạt 591 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với nửa đầu năm 2020, lãi ròng đạt 292 tỷ đồng.
Theo giải trình, lợi nhuận tăng trưởng mạnh là thị trường dệt may trong nửa đầu năm 2021 đã dần phục hồi trở lại sau khoảng thời gian năm 2020 chịu ảnh hưởng nặng nền bởi Covid-19, theo đó các đơn hàng bắt đầu phục hồi mạnh về cả số lượng lẫn giá bán.
Riêng trong quý 2, khủng hoảng chính trị tại Myanmar cùng với làn sóng dịch bệnh bùng phát tại Ấn Độ, Bangladesh đã khiến nhiều hãng thời trang trên thế giới dịch chuyển sản xuất qua Việt Nam, đơn hàng dồi dào giúp nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, các giải pháp quản trị sản xuất kinh doanh được quản trị tốt cũng giúp Vinatex ghi nhận hiệu suất hoạt động tốt trong 6 tháng đầu năm 2020.
Cuối tháng 6, tổng tài sản của VGT ghi nhận hơn 18.751 tỷ đồng, tăng 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn hơn 2.815 tỷ đồng, tăng 6%.
Hàng tồn kho cũng tăng 4%, ghi nhận gần 2.546 tỷ đồng với hơn 903 tỷ đồng nguyên liệu vật liệu (giá gốc), tăng 26%. Đáng chú ý, hàng tồn kho bất động sản hơn 76 tỷ đồng trong khi đầu năm không ghi nhận khoản này.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN