Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam (Vietravel; UPCoM: VTR) vừa thông báo quyết định chấm dứt hoạt động của Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển Vietravel kể từ ngày 8/1/2025. Quyết định này được đưa ra sau khi Vietravel nhận được văn bản phê duyệt từ Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Được biết, Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư và Phát triển Vietravel, do Vietravel sở hữu 100% vốn, trước đây hoạt động trong các lĩnh vực như kinh doanh lữ hành du lịch, bất động sản, dịch vụ ăn uống, nhà hàng, và đào tạo trung cấp.
Nguyên nhân dẫn đến việc giải thể được cho là chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, buộc công ty phải thay đổi chiến lược và đẩy mạnh quá trình tái cấu trúc. Đầu tư và Phát triển Vietravel vốn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như lữ hành du lịch, bất động sản, dịch vụ ăn uống, nhà hàng và đào tạo trung cấp. Tuy nhiên, sự thay đổi của thị trường cùng áp lực tái cơ cấu đã khiến Vietravel quyết định dừng hoạt động của đơn vị này.
|
Ảnh minh họa |
Về tình hình kinh doanh của công ty, quý 3/2024 Vietravel ghi nhận doanh thu đạt 2.030 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn tăng hơn 6% khiến lợi nhuận gộp chỉ nhích nhẹ so với cùng kỳ 2023, đạt hơn 124 tỷ đồng.
Lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, doanh thu hợp nhất của Vietravel đạt hơn 5.258 tỷ đồng, tăng 13,5% so với cùng kỳ. Lợi nhuận lợi nhuận sau thuế đạt 31,4 tỷ đồng, giảm 44%.
Năm 2024, Vietravel đặt mục tiêu doanh thu đạt 6.921 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 68 tỷ đồng. Như vậy, với kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm, Vietravel đã hoàn thành 83% kế hoạch về doanh thu và 59% kế hoạch về lợi nhuận cả năm.
Một điểm đáng chú ý khác là tình hình dòng tiền. Trong 9 tháng đầu năm 2024, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh 9 tháng đầu năm âm gần 186 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ cũng âm gần 80 tỷ đồng. Dòng tiền thuần từ hoạt động đầu tư cũng âm gần 9 tỷ đồng. Điều này khiến Vietravel phải tăng vay nợ để bù đắp.
Tính đến thời điểm ngày 30/9/2024, Vietravel có tổng nợ vay tài chính 911 tỷ đồng, tăng hơn 200 tỷ so với đầu năm và gấp đôi vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn chiếm đến 98% tổng nợ vay tài chính. Nợ vay tăng trong khi ưu đãi lãi suất hết hạn là nguyên nhân khiến chi phí tài chính bị đội lên đáng kể, ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp.