Trong quý 2/2020, doanh thu thuần của Vietjet lao dốc gần 61% xuống còn 4.969 tỷ đồng. Trong khi đó giá vốn chiếm tới 5.079 tỷ đồng khiến hãng hàng không này lỗ gộp 109 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gộp 1.205 tỷ đồng.
Tuy nhiên nhờ doanh thu hoạt động tài chính tăng vọt gấp hơn 8 lần lên 1.174 tỷ đồng. Cộng thêm lợi nhuận khác 413 tỷ đồng, gấp gần 22 lần.
Vì thế dù lỗ từ liên doanh liên kết gần 40 tỷ đồng nhưng Vietjet vẫn lãi ròng 1.062 tỷ đồng, gấp 1,7 lần cùng kỳ.
|
Kết quả kinh doanh quý 2/2020 của Vietjet |
Tương tự, luỹ kế 6 tháng, doanh thu giảm phân nửa xuống mức 12.200 tỷ đồng. Do giá vốn chiếm hơn 13.150 tỷ đồng nên Vietjet lỗ gộp 950 tỷ đồng.
Tuy nhiên nhờ lợi nhuận khác 418 tỷ đồng nên sau khi trừ các loại chi phí, Vietjet vẫn lãi ròng 73 tỷ đồng, suy giảm 96% so cùng kỳ 2019.
Riêng công ty mẹ lỗ ròng 6 tháng tới 2.112 tỷ đồng.
Theo Vietjet, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp lên ngành hàng không toàn cầu và là nguyên nhân chính cho sự sụt giảm về nhu cầu đi lại giữa các quốc gia trên thế giới, Việt Nam không phải ngoại lệ.
Mặc dù có có do lệnh cách ly trên toàn xã hội để tránh dịch bệnh trong tháng 4, Vietjet vẫn đạt được hơn 300 chuyến bay chuyên dụng cho hàng hoá và thực hiện 14.000 chuyến bay trong quý 2.
Ngoài ra, Vietjet vẫn phải duy trì chi phí cố định để chuẩn bị nguồn lực khi thị trường quay lại, nên lợi nhuận vận tải hàng không âm 1.122 tỷ đồng trong quý 2.
Mặt khác, nhằm gia tằng dòng tiền hỗ trợ hoạt động kinh doanh, Vietjet tích cực tìm kiếm các đối tác và đã thực hiện giải pháp thương mại tài chính tàu bay tạo ra nguồn lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.063 tỷ đồng, tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho dịch vụ vận tải hàng không.
Thị trường hàng không nội địa có sự hồi phục trở lại vào tháng 6, Vietjet thực hiện bình quân 300 chuyến bay mỗi ngày giúp cải thiện một phần kết quả kinh quý 2.
Kỳ vọng các tháng tiếp theo, Vietjet tập trung các giải pháp tiết kiệm chi phí, tối ưu hoá hoạt động như chương trình bảo hiểm xăng dầu trong giai đoạn giá thấp, tăng cường đàm phán giảm giá dịch vụ từ nhà cung cấp, tối ưu hoá nguồn lực và các giải pháp gia tăng nguồn thu như chuyên chở các chuyến bay cargo... giúp gia tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh.
Năm 2020, Vietjet đặt mục tiêu doanh thu 36.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 100 tỷ đồng, riêng công ty mẹ là mục tiêu hoà vốn. Như vậy, 6 tháng đầu năm, công ty mẹ lỗ nặng còn hợp nhất còn rất xa vời so với kế hoạch.
Tại thời điểm 30/6/2020, tổng tài sản của Vietjet giảm 466 tỷ đồng xuống mức 48.392 tỷ đồng.
Trong đó tiền mặt và các khoản tương đương cũng như đầu tư tài chính ngắn hạn giảm mạnh 91% xuống còn 3.407 tỷ đồng. Phải thu ngắn hạn lại tăng 21% lên mức 20.339 tỷ đồng.
Trong 994 tỷ đồng đầu tư ngắn hạn chủ yếu là vào Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil) kỳ này đã không phải trích dự phòng giảm giá 555 tỷ như cùng kỳ.
Trong cơ cấu nợ, vay ngắn hạn giảm 24% xuống mức 6.193 tỷ đồng, còn nợ vay dài hạn vẫn duy trì ở mức 3.637 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đạt 11.593 tỷ đồng.
Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh tiếp tục ghi nhận âm tới 2.071 tỷ đồng.