Cụ thể, đơn vị kiểm toán đã không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để có thể đánh giá được ảnh hưởng của các vấn đề sau đây đến các khoản mục có liên quan đến báo cáo tài chính.
Thứ nhất là dự án mở rộng gang thép giai đoạn 2 được triển khai từ năm 2007, việc đầu tư dự án đã kéo dài hơn so với dự kiến ban đầu và hiện vẫn chưa hoàn thành. Hiện tại, Chính phủ và các cơ quan có liên quan đang trong quá trình xử lý các sai phạm, tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn để hoàn thành dự án.
Do vậy, đơn vị kiểm toán không thể xác định được ảnh hưởng của các vấn đề này đến khoản mục Trả trước cho người bán, Chi phí xây dựng cơ bản dở dang, Phải trả cho nhà cung cấp có liên quan đến dự án này. Đồng thời là giá trị chi phí lãi vay được vốn hóa và tổn thất có thể có liên quan đến dự án cũng như ảnh hưởng của vấn đè này đến các chỉ tiêu khác có liên quan.
Thứ hai, Tisco được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản một số mỏ tại khu vực huyện Đại Từ và Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên với tổng số tiền hơn 62 tỷ đồng. Tuy nhiên, Tisco chưa thực hiện điều chỉnh báo cáo tài chính theo số tiền được phê duyệt do chưa xác định được số tiền phải điều chỉnh tương ứng cho từng khu vực.
Do vậy, đơn vị kiểm toán không thế xác định được ảnh hưởng của vấn đề này đến chỉ tiêu Dự phòng phải trả dài hạn và các chi tiết có liên quan.
Ngoài ra, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh, tại thời điểm cuối năm 2022, nợ phải trả vượt 4,2 lần vốn chủ sở hữu, nợ ngắn hạn đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 3.416 tỷ đồng, một số khoản nợ gốc và lãi vay phải trả ngân hàng liên quan đến dự án mở rộng Gang thép giai đoạn 2 đã quá hạn thanh toán.
Bên cạnh đó, lợi nhuận hoạt động sản xuất kinh doanh sụt giảm mạnh, dòng tiền từ hoạt động sản xuất kinh doanh bị âm 341 tỷ đồng. Những sự kiện này, cùng với các vấn đề ngoại trừ cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hăng hoạt động liên tục của Tisco.
Được biết, tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản của Tisco giảm 146 tỷ xuống mức 10.181 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt giảm mạnh hơn phân nửa xuống còn 104 tỷ đồng; Phải thu ngắn hạn khách hàng giảm 37% về còn 742 tỷ đồng nhưng Tisco vẫn đang phải trích lập dự phòng khó đòi gần 348 tỷ đồng; Chi phí xây dựng cơ bản dở dang tăng lên 6.275 tỷ đồng; Hàng tồn kho cũng tăng nhẹ lên 1.760 tỷ đồng.
Trong cơ cấu nguồn vốn, tổng nợ 8.227 tỷ đồng, chiếm chủ yếu với gần 81%. Riêng vay nợ tài chính ngắn và dài hạn chiếm lần lượt là 2.899 tỷ đồng và 1.703 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, năm 2022, Tisco thực hiện được 11.699 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 9% so năm trước. Thu không đủ bù chi khiến Tisco báo lỗ hơn 9 tỷ đồng trong năm 2022, trong khi năm trước vẫn có lãi 122 tỷ đồng.
Năm 2023, với nhận định tình hình kinh tế thế giới và trong nước nói chung, thị trường thép nói riêng còn nhiều khó khăn nên các chỉ tiêu kế hoạch của Tisco đặt ra cơ bản chỉ bằng và thấp hơn so với kết quả thực đạt của năm 2022.
Cụ thể, giá trị sản xuất công nghiệp 11.342 tỷ đồng; sản xuất và tiêu thụ thép cán 780.000 tấn; tổng doanh thu 15.826 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế hơn 38 tỷ đồng.