Trước Tenma Việt Nam, bao nhiêu doanh nghiệp bị tố hối lộ?

Ngoài vụ nghi án Công ty Tenma Việt Nam hối lộ một số quan chức địa phương Việt Nam 5,4 tỷ đồng, trước đây Việt Nam từng ghi nhận 2 vụ đưa, nhận hối lộ liên quan đến doanh nghiệp Nhật Bản.
Vụ việc nghi án Công ty TNHH Tenma Việt Nam hai lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yên (khoảng 5,4 tỷ đồng) cho một số quan chức địa phương Việt Nam giai đoạn từ 2017-2019 để được miễn giảm những khoản thuế mà báo chí Nhật Bản đã đưa tin đang gây xôn xao dư luận.
Truoc Tenma Viet Nam, bao nhieu doanh nghiep bi to hoi lo?
 Trụ sở Công ty TNHH Tenma Việt Nam tại Bắc Ninh. Ảnh: Dân Việt.
Hiện tại các cơ quan chức năng Việt Nam vẫn đang xác minh, xử lý thông tin theo quy định của pháp luật. Đáng chú ý, ngoài vụ việc này, Việt Nam từng ghi nhận 2 vụ đưa, nhận hối lộ liên quan đến doanh nghiệp Nhật Bản khi đầu tư tại Việt Nam. Đáng chú ý, những vụ việc này đều xuất phát từ phía cơ quan điều tra Nhật Bản công bố.
Kiến Thức xin điểm lại hai vụ đưa, nhận hối lộ đình đám của các Công ty Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam dưới đây:
Hối lộ dự án đại lộ Đông Tây
Vụ việc xảy ra vào năm 2008, Công ty Pacific Consultants International của Nhật Bản (PCI) đã hối lộ cho quan chức cấp cao TP HCM để thắng thầu tại dự án phát triển hạ tầng có sử dụng vốn viện trợ ODA của Nhật Bản - dự án đại lộ Đông Tây.
Dự án này được khởi công vào ngày 31/1/2005, với số vốn ban đầu là 9.864 tỷ đồng. Đồng triển khai dự án này là dự án cải thiện môi trường nước với tổng mức đầu tư là 4.163 tỷ đồng.
Thời điểm đó, số tiền hối lộ cho quan chức cấp cao TP HCM được xác định hơn 820.000 USD (18,8 tỷ đồng).
Hai cán bộ xác định nhận số tiền hối lộ trên là ông Huỳnh Ngọc Sỹ, nguyên Phó giám đốc Sở GTVT, Giám đốc BQL dự án đại lộ Đông Tây TP HCM và ông Lê Quả, nguyên Phó Giám đốc BQL dự án.
Ngày 19/11/2008, Thành ủy TP HCM thông qua quyết định đình chỉ công tác ông Huỳnh Ngọc Sỹ để phục vụ điều tra vụ hối lộ.
13h30 chiều 11/2/2009, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về tham nhũng (Bộ Công an) đã bắt và khám xét nhà riêng ông Huỳnh Ngọc Sỹ.
Sau 4 tháng xác minh, đầu tháng 6/2009, cơ quan Cảnh sát điều tra đã hoàn tất điều tra sai phạm xảy ra tại Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và môi trường nước TP HCM, liên quan hai cựu quan chức là ông Huỳnh Ngọc Sỹ và Lê Quả.
Truoc Tenma Viet Nam, bao nhieu doanh nghiep bi to hoi lo?-Hinh-2
Tại phiên phúc thẩm 9/2011, ông Sỹ từ án phạt tù chung thân được giảm xuống còn 20 năm tù giam về tội "nhận hối lộ". (Ảnh: SGGP).
Sự việc xảy ra đã gây ảnh hưởng nặng nề tới nhiều dự án thực hiện bằng nguồn vốn ODA tại Việt Nam. Sau 3 năm từ khi vụ đưa và nhận hối lộ được Nhật Bản điều tra năm 2008, ông Huỳnh Ngọc Sỹ nhận án phạt tù chung thân. Tuy nhiên, tại phiên phúc thẩm 9/2011, ông này được giảm án xuống còn 20 năm tù về tội "nhận hối lộ".
Hối lộ để trúng thầu dự án ODA
Theo đó, ngày 21/3/2014, tờ Yomiuri và nhiều cơ quan báo Nhật Bản đã đồng loạt đưa tin về việc ông Tamio Kakinuma, Chủ tịch Công ty tư vấn đường sắt JTC (Japan Transportation Consultants) đến cơ quan điều tra khai báo tự nguyện về việc hối lộ quan chức cấp cao của đường sắt Việt Nam để đổi lấy việc trúng thầu dự án ODA xây dựng đường sắt đô thị số 01 Hà Nội (đoạn Ngọc Hồi - Yên Viên).
Truoc Tenma Viet Nam, bao nhieu doanh nghiep bi to hoi lo?-Hinh-3
 Ông Tamio Kakinuma. (Ảnh: Báo Giao Thông).
Giám đốc JTC Tamio Kakinuma khai nhận, đã chi bất hợp pháp hơn 100 triệu yên cho một số quan chức Việt Nam, Indonesia và Uzbekistan để nhận được hợp đồng cho các dự án ODA.
Trong đó, riêng dự án ODA đường sắt nội đô tại Hà Nội tại Việt Nam có mức chi "lại quả" là 80 triệu Yên (tương đương hơn 16 tỷ đồng) cho 5 quan chức đường sắt từ năm 2008-2012.
Hành vi đưa hối lộ của JTC được phát hiện vào tháng 4/2013, khi cục thuế khu vực Tokyo kiểm tra và phát hiện một số khoản chi trái phép nhưng được liệt kê vào chi phí của JTC từ tháng 8/2008 đến tháng 2/2012.
Sau đó, ông Kakinuma đã ký vào biên bản lời khai sau khi bị tổ điều tra thuộc văn phòng công tố Tokyo thẩm vấn, cũng như đã khai chi tiết về thời gian cũng như số tiền cụ thể mà JTC hối lộ cho các quan chức.
6 cán bộ thuộc Ban Quản lý các dự án đường sắt Việt Nam liên quan đến vụ án sau đó lần lượt bị bắt giữ để điều tra gồm: Ông Phạm Hải Bằng, nguyên Phó giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt (RPMU); ông Nguyễn Nam Thái, nguyên Trưởng phòng thực hiện dự án 3; ông Phạm Quang Duy, nguyên Phó giám đốc RPMU; ông Trần Quốc Đông, nguyên giám đốc RPMU; ông Nguyễn Văn Hiếu, nguyên giám đốc RPMU; ông Trần Văn Lục, nguyên giám đốc RPMU...
Sau khi xét xử, các cán bộ nói trên đã bị tuyên phạt tù giam từ 7 năm đến 12 năm.

Liên quan nghi án Công ty TNHH Tenma Việt Nam hối lộ  25 triệu yên cho một số cán bộ, công chức Việt Nam, ngày 26/5/2020, Tổng cục Hải quan đã có các quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày (kể từ ngày 27/5/2020) đối với ông Trần Thành Tô, Cục trưởng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh (người ký quyết định thành lập Đoàn kiểm tra sau thông quan).

Cùng bị tạm đình chỉ còn có ông Dương Minh Khải, Đội trưởng Đội Kiểm soát Hải quan, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh; ông Nguyễn Văn Phúc, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ, trực thuộc Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh; ông Vũ Quang Hà, Đội trưởng đội nghiệp vụ, Chi cục Hải quan Bắc Ninh; ông Nguyễn Lưu Bình Trọng, công chức Chi cục Hải quan cảng nội địa Tiên Sơn; bà Nguyễn Thị Hảo, công chức Văn phòng Cục Hải quan tỉnh Bắc Ninh.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế đã ký Quyết định tạm đình chỉ công tác 15 ngày đối với 5 công chức của Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh liên quan đến đoàn kiểm tra thuế ngày 21/8/2019 gồm: Ông Phạm Đức Thường, nguyên Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh người ký Quyết định số số 2745/QĐ-CT ngày 21/8/2019; ông Nguyễn Đức Tuấn, trưởng đoàn Kiểm tra; ông Nguyễn Duy Cử, thành viên đoàn Kiểm tra; bà Nguyễn Thị Hoài Biên, thành viên đoàn Kiểm tra; bà Phạm Thị Thanh Tâm, thành viên đoàn Kiểm tra.

Hiện, ông Phạm Đức Thường vừa nhận quyết định bổ nhiệm chức Vụ trưởng Vụ Dự toán thu thuế (Tổng cục Thuế) từ ngày 1/5/2020.

Khánh Hoài (tổng hợp)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN