Thực tế PGS làm ăn ra sao khi bị phạt truy thu thuế 1,8 tỷ?

CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam thua lỗ trong quý 1/2020 nhưng đã bật tăng mạnh trong quý 3/2020 với lãi sau thuế lại tăng mạnh gần 60%. 
CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam (GAS South, mã: PGS) vừa công bố thông tin nhận được quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế từ Cục thuế TP HCM với tổng số tiền bị phạt, truy thu và chậm nộp gần 1,8 tỷ đồng. Theo Quyết định xử phạt, PGS đã có hành vi khai sai thuế giá trị gia tăng những không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp và hành vi khai sai dẫn đến thiếu số thuế phải nộp.
PGS thua lỗ trong quý 1, tăng trưởng mạnh trong quý 3
Thuc te PGS lam an ra sao khi bi phat truy thu thue 1,8 ty?
 CTCP Kinh doanh Khí Miền Nam bị phạt truy thu thuế 1,8 tỷ. 
Về kết quả kinh doanh, theo BCTC quý 3/2020, công ty đạt doanh thu 1.214 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kì năm trước nhưng lãi sau thuế lại tăng mạnh gần 60% lên 34,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chính do chi phí bán hàng kì này chỉ bằng 65% con số của cùng kì năm ngoái. 
Lũy kế 9 tháng đầu năm, PGS có doanh thu 3.678 tỷ đồng và lãi ròng hơn 14 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 76% so cùng kỳ. Trong đó, lợi nhuận luỹ kế giảm mạnh chủ yếu do mức lỗ sau thuế hơn 20 tỷ đồng nửa đầu năm.
Tại ngày 30/9, PGS đang có tổng tài sản gần 2.103 tỷ đồng, giảm nhẹ 3% so với hồi đầu năm, trong đó tài sản ngắn hạn chiếm gần 878 tỷ đồng, tài sản dài hạn chiếm gần 1.225 tỷ đồng. Công ty đang nắm lượng hàng tồn gần 112 tỷ đồng, tăng 7% sau 9 tháng.
Bán niên 2020, GAS South báo lỗ 20 tỷ đồng do COVID-19 diễn biến phức tạp cùng chính sách giãn cách xã hội của Chính phủ dẫn đến sản lượng LPG giảm mạnh; cùng với đó giá dầu và giá LPG trên thị trường thế giới giảm mạnh, giá mua khí CNG đầu vào tăng so với cùng kỳ năm trước mà giá bán CNG không thể tăng.
Trước đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của PGS trong quý 1/2020 lỗ gần 24 tỷ đồng. Theo lý giải của lãnh đạo GPS, giá CP đã liên tục giảm từ tháng 1 đến tháng 3/2020; Công ty luôn dự trữ lượng hàng tồn kho gối đầu khoảng 1,500 tấn nên phải trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn.
Thứ hai là do nhà cung cấp thay đổi cách tính giá khí đầu vào để sản xuất CNG theo hướng tăng và cố định định giá trong khi PGS vẫn bán cho khách với giá thả nổi; trong 3 tháng đầu năm, giá dầu liên tục giảm dẫn đến giá bán CNG giảm trong khi giá đầu vào là cố định. Thứ ba, để đảm bảo tuân thủ luật cạnh tranh, nhà cung cấp đã yêu cầu tất cả khách hàng đều phải mở bảo lãnh thanh toán, rút ngắn thời gian thanh toán từ 90 ngày xuống còn 30 ngày nên PGS phát sinh nhiều các chi phí tài chính.
GAS muốn thoái sạch vốn tại PGS
Đầu tháng 10 năm nay, HĐQT Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS) thông qua chủ trương thoái toàn bộ vốn góp tại PGS. Khi đó, PV GAS đang là cổ đông lớn nhất, sở hữu 35,26% vốn tại PGS. Tại thời điểm cuối quý 2/2020, PV GAS ghi nhận giá trị hợp lý cho gần 35,3% cổ phần tại PGS là 252 tỷ đồng.
Động thái thoái vốn của PV GAS diễn ra sau khi đại gia ngành khí tham vọng kiểm soát PGS nhưng bất thành.
Cụ thể, tháng 10/2019, PGS dự kiến phát hành 16,1 triệu cổ phiếu với giá 23.409 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng khối lượng huy động dự kiến gần 377 tỷ đồng, mục đích bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, mua sắm công cụ dụng cụ (vỏ bình...).
Đối tượng chào bán chính là PV GAS. Nếu thành công, PV GAS sẽ tăng sở hữu lên 33,7 triệu cổ phiếu, chiếm 51,03% vốn PGS và chính thức trở thành công ty mẹ. Tuy nhiên, Đại hội cổ đông bất thường của PGS ngày 29/10/2019 đã phủ quyết chủ trương này.

PGS kinh doanh hai dòng khí là LPG và CNG. Trong đó, PGS chiếm 35% thị phần LPG khu vực miền Nam và Nam Trung Bộ. Công ty cũng vừa tiếp nhận Nhà máy sản xuất Bình khí Dầu khí Việt Nam, hiện đã có lợi nhuận và sản lượng vào mức 379.000 bình.


Hoàng Minh

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN