Thực trạng siết, rồi nới room tín dụng năm 2022
Trong năm 2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ khi tăng lãi suất 200 điểm cơ bản so với đầu năm lên 6%, cùng với đó là sử dụng dự trữ ngoại hối để hỗ trợ VNĐ. Những yếu tố này đã hạn chế điều kiện tín dụng tổng thể.
Tuy nhiên, nhu cầu vay đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2022 cùng với sự phục hồi của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, dẫn đến tín dụng tăng mạnh 9,4% so với đầu năm vào cuối quý 2 năm 2022. Thời điểm đó, hầu hết các ngân hàng thương mại (NHTM) đều chạm hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu do NHNN giao. Trong khi đó, tăng trưởng huy động của hệ thống tăng thấp hơn đáng kể so với tăng trưởng tín dụng.
Do nhu cầu huy động vốn tăng mạnh, NHNN quyết định nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại kể từ tháng 9/2022 từ 1-4%.
Ngoài ra, vào cuối tháng 9/2022, sự kiện Vạn Thịnh Phát – SCB cũng gây áp lực lên thanh khoản hệ thống khiến các NHTM chuyển sang trạng thái “phòng thủ” nhằm củng cố lại các tiêu chí về thanh khoản (tỷ lệ dư nợ tín dụng trên vốn huy động, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn). Trong bối cảnh đó, các NHTM quy mô nhỏ đã mở đầu làn sóng tăng lãi suất huy động, sau đó lan sang các nhà băng quy mô trung bình và cuối cùng là 4 “ông lớn” Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV từ cuối tháng 10/2022.
Những điều này khiến mặt bằng lãi suất huy động đã tăng nhanh tại tất cả các kỳ hạn và thậm chí đã lên cao hơn mức trước đại dịch.
Trước những lo ngại về sự gia tăng trái phiếu kém lành mạnh và nỗ lực ổn định kinh tế vĩ mô, NHNN đã tái khẳng định quan điểm và chỉ nới hạn mức tín dụng từ 1,5-2% cho toàn hệ thống tổ chức tín dụng vào tháng 12, cận kề thời điểm kết thúc năm.
Với động thái này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, việc bổ sung thêm hạn mức tín dụng sẽ chỉ giải quyết một phần nhỏ vấn đề ở thời điểm hiện tại. Bởi theo thông tin từ NHNN, hạn mức tín dụng đã được phân bổ cho các NHTM là 14% và tăng trưởng tín dụng đến nay mới đạt 11,5% so với đầu năm. Do vậy, dư địa để các NHTM cấp tín dụng tại thời điểm hiện tại là có, tuy nhiên vấn đề phần nhiều đến từ các tiêu chí cho việc giải ngân cho vay có được nới ra không.
Ngoài ra, chênh lệch huy động vốn – tín dụng chưa có nhiều cải thiện và do đó, việc nới trần tín dụng phù hợp hơn để gia hạn khoản vay cũ, thay vì dành cho các khoản vay mới.
|
Mặt bằng lãi suất huy động đã tăng nhanh tại tất cả các kỳ hạn và thậm chí đã lên cao hơn mức trước đại dịch. Ảnh internet |
Doanh nghiệp trải qua một cuộc bể dâu
Cạn room tín dụng, doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận vốn ngân hàng. Thực tế này dẫn đến nguy cơ phát sinh những rủi ro tiềm ẩn, ảnh hưởng lớn đến việc huy động vốn trung và dài hạn, đến thị trường trái phiếu, cổ phiếu, chủ trương phát triển thị trường vốn.
Vốn vào của doanh nghiệp đến từ 3 nguồn chính gồm: Tín dụng từ ngân hàng, trái phiếu cổ phiếu, quỹ đầu tư (trong nước và ngoài nước), riêng với doanh nghiệp bất động sản thì có thêm kênh huy động từ khách hàng thông qua hình thức bán sản phẩm hình thành trong tương lai.
Nhưng hiện nay các nguồn vốn này đều đang vướng. Với doanh nghiệp bất động sản, khi vừa bị siết tín dụng và trái phiếu thì đối diện với rủi ro đứt gẫy dòng vốn đầu tư, bị ngộp thở, nhất là trong lúc thanh khoản bị sụt giảm mạnh.
Thực tế, nhiều nhà đứng đầu doanh nhiệp thừa nhận bản thân doanh nghiệp phải vay "nóng" với lãi suất 3%-5%/tháng để giải quyết nhu cầu vốn trong ngắn hạn. Một số doanh nghiệp thì tham gia nhiều chương trình khuyến mãi bán dưới giá vốn để đẩy hàng tồn, chấp nhận "lỗ ít chính là lời" để có dòng tiền luân chuyển, đầu tư lâu dài cho thương hiệu, trong tương lai có thể thu lợi nhuận từ sản phẩm khác.
Doanh nghiệp ngành thép phải bán sản phẩm thấp hơn giá vốn 30 - 40% để có dòng tiền trong lúc chờ đợt phân bổ chỉ tiêu tín dụng tiếp theo. Doanh nghiệp các ngành công nghiệp hỗ trợ trước đây có thể sử dụng hợp đồng đã ký kết hoặc thế chấp bất động sản để vay vốn nhưng ngân hàng hiện không giải ngân.
Doanh nghiệp ngành nông nghiệp thì khó tiếp cận được nguồn vốn để thu mua nguyên liệu trong khi một số loại nông sản có kỳ thu mua tập trung ở những tháng cuối năm trước và đầu năm sau.
Đặc biệt với các doanh nghiệp bất động sản, sau 2 năm khốn đốn vì dịch Covid-19, thị trường bất động sản “nóng” lên rõ rệt trong 3 tháng đầu năm khiến các doanh nghiệp vô cùng phấn khởi.
Tuy nhiên, khi room tín dụng bị siết đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ giải ngân các hạng mục thi công. Một số ngân hàng thông báo không tái cấp tín dụng vì hết hạn mức cho vay khiến nhà thầu không có tiền, buộc phải ngưng thi công dự án.
Thông tin từ DKRA Vietnam cho thấy, trong tháng 11, các tỉnh phía Nam chỉ có TPHCM, Bình Dương có dự án chung cư để bán. Trong 9 dự án được xem là nguồn cung của tháng này thì chỉ có 2 dự án mới, còn lại 7 dự án mở bán giai đoạn tiếp theo.
Thị trường sơ cấp tháng 11 cũng tiếp tục ghi nhận các chính sách chiết khấu thanh toán nhanh lên đến 40-50% giá trị bất động sản. Thanh khoản thứ cấp tiếp tục sụt giảm, giá bán ghi nhận giảm 3-5% so với tháng trước. Phần lớn ở những giao dịch trong tháng qua đều do người bán cần tiền gấp phục vụ nhu cầu tài chính cá nhân, giảm áp lực do lãi suất cho vay leo thang.
Các doanh nghiệp này đang phải tái cấu trúc, cắt giảm tới hơn 50% lực lượng lao động, càng làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch triển khai các dự án trong vài năm tới. Kết cục, thị trường bất động sản ngày càng mất cân đối khi nguồn cung khan hiếm, giá nhà đất bị đẩy lên cao, nhu cầu chính đáng của người dân là mua được căn nhà cũng ngày càng xa vời.
Chưa kể, do tình hình kinh doanh giảm sút, cổ phiếu doanh nghiệp mất giá đã tạo cơ hội cho những nhà đầu tư nước ngoài “bắt đáy”, thâu tóm lượng cổ phiếu lớn để chi phối thị phần của các doanh nghiệp bất động sản hàng đầu.
Tổng thể kinh tế gặp khó, tại báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính chung 11 tháng năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 70.200, tăng 35% so cùng kỳ, gần 45.300 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể. Bình quân mỗi tháng có 12.000 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Phục hồi kinh tế...
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu nhận định dù NHNN đã cho phép nới room tín dụng thêm 1,5 - 2% trong ngày 12/12. Sau đó 2 ngày, Chính phủ cũng có công điện chỉ đạo các ngân hàng tăng cường cho vay với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện.
Tuy nhiên, đến nay chỉ còn vài ngày nữa là hết năm 2022, nhìn chung các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp bất động sản và người mua nhà vẫn rất khó vay vốn ngân hàng. Nguyên nhân chủ yếu là do NHNN nước chỉ đạo các NHTM không hạ chuẩn tín dụng.
"Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét không nên giữ nguyên chuẩn tín dụng trong tình thế bất thường hiện nay mà nên nới một chút, nhưng vẫn không phải là hạ thấp chuẩn so với bình thường trước đây", ông Lê Hoàng Châu đề xuất để kinh tế dần phục hồi.
Ở khía cạnh khác, ông Lê Hoàng Châu cho biết hiện nay do NHNN chỉ đạo các ngân hàng thương mại không hạ chuẩn tín dụng nên các ngân hàng thương mại không dám cho vay đối với một số trường hợp.
Do đó, ông Châu kiến nghị NHNN xem xét trình Thủ tướng cho phép tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm là trái phiếu doanh nghiệp trị giá tối đa bằng 70% giá trị trái phiếu doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cho doanh nghiệp vay khoản tín dụng mới có tài sản bảo đảm trong trường hợp doanh nghiệp có khoản vay đáo hạn (thuộc nhóm 2 và 3) chưa thanh toán.
"Các chính sách ngắn hạn này được đề xuất áp dụng đến hết năm 2023 để hỗ trợ về tín dụng cho doanh nghiệp và người mua nhà, với điều kiện doanh nghiệp cam kết thực hiện giao dịch qua tổ chức tín dụng cho vay", ông Châu khẳng định.
Trong khi đó, Tiến sĩ Đinh Thế Hiển nhận định, với việc cung tiền thấp nhất trong nhiều năm nay, chỉ khoảng 7% so với tăng trưởng GDP 8%; cộng thêm một số ngân hàng bị kẹt vốn cho vay các công ty bất động sản và đầu tư trái phiếu khá nhiều làm cho nguồn cung tiền thiếu hụt so với nhu cầu vay. Điều này khiến lãi suất huy động và cho vay tăng cao trong quý 4/2022 và còn kéo dài sang quý 1/2023.
Tuy nhiên với việc hạ nhiệt tỷ giá, nguồn thu ngân sách dồi dào so với chi hiện nay cho thấy Chính phủ có dư địa để tăng cung tiền trong năm 2023 cao hơn 2022. Thêm vào đó, Chính phủ đã kiểm soát, hỗ trợ cho một số ngân hàng gặp khó khăn nguồn vốn.
Những điều này cho thấy nguồn tiền năm 2023 đáp ứng nền kinh tế sẽ tốt hơn 2022, huy động vốn của các NHTM được kiểm soát ổn định. Qua đó các doanh nghiệp và người dân dần dần được vay vốn thuận lợi hơn với lãi suất tốt hơn kể từ cuối quý 1/2023.
Thực trạng: Doanh nghiệp khủng hoảng vì “đói” vốn
Theo ghi nhận, dù phần nhiều các doanh nghiệp bất động sản trên sàn báo cáo lợi nhuận nhưng thực tế dòng tiền hoạt động thì lại là âm. Thậm chí, cả các doanh nghiệp có quy mô lớn như Hải Phát (âm 1.500 tỷ đồng), Cenland (âm 885 tỷ đồng), Khang Điền (âm 841 tỷ đồng), DIC Corp (âm 353 tỷ đồng), Nam Long (âm 156 tỷ đồng)…
Thực tế cho thấy, khi 2 nguồn vốn quan trọng là tín dụng ngân hàng và trái phiếu đều bị kiểm soát chặt, các doanh nghiệp địa ốc loay hoay tìm nguồn thay thế khi dòng tiền kinh doanh dần cạn kiệt.
Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân sự, đây được xem là giải pháp tình thế để ứng phó với khó khăn toàn diện chưa từng có tiền lệ trên thị trường như hiện nay.
Mới đây, Tập đoàn Đầu tư địa ốc NoVa (Novaland) công bố nhận khoản đầu tư 250 triệu USD từ nhóm quỹ đầu tư do Warburg Pincus dẫn đầu. Tương tự, Tập đoàn Hưng Thịnh cũng mới nhận khoản đầu tư vốn cổ phần trị giá 103 triệu USD của Dragon Capital và VinaCapital.
Không khó để nhận thấy, các "ông lớn" cũng đang bị ảnh hưởng nặng nề, phải tìm đường huy động vốn từ các đối tác nước ngoài, trong khi đó với các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, khó khăn sẽ còn nhiều hơn.
|