SaigonBank làm ăn như nào trước thềm biến động nhân sự HĐQT?

Lợi nhuận thuần trong quý 4/2022 của SaigonBank giảm mạnh 32% nhưng nhờ tốc độ giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng mạnh hơn nên sau cùng nhà băng này vẫn có lãi.
Đã có lãi trong quý 4/2022 nhờ giảm dự phòng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (SaigonBank, UPCoM: SGB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 với nguồn thu chính tăng 56% lên gần 212 tỷ đồng.
Các nguồn thu ngoài lãi lại biến động tăng giảm bất thường. Trong đó lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng khá 24% lên hơn 8 tỷ đồng; kinh doanh ngoại hối tăng vọt gấp 2,2 lần nhưng cũng chỉ ở mức 16 tỷ đồng.
Ngược lại, lãi thuần từ hoạt động khác lại giảm mạnh 55% về vỏn vẹn gần 13 tỷ đồng. Trong khi đó chi phí hoạt động chỉ giảm nhẹ 6% khi chiếm 199,5 tỷ đồng.
Do đó, lợi nhuận thuần của SaigonBank giảm mạnh 32% về còn 49,5 tỷ đồng. Tuy nhiên nhờ giảm mạnh 57% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng xuống còn 48,6 tỷ đồng.
Do đó, SaigonBank vẫn có lãi ròng hơn 838 triệu đồng, khả quan hơn mức lỗ tới 38,5 tỷ của cùng kỳ 2021.
Lũy kế cả năm 2022, mặc dù tăng vọt 61% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng nhưng SaigonBank vẫn lãi ròng gần 199 tỷ đồng, tăng 55% so năm 2021. Đây là mức lãi cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây của SaigonBank. So với kế hoạch lãi trước thuế 190 tỷ đồng cho cả năm 2022, SaigonBank đã vượt 25% chỉ tiêu. 
SaigonBank lam an nhu nao truoc them bien dong nhan su HDQT?
 
Tại thời điểm cuối năm 2022, tổng tài sản SaigonBank tăng 13% so với đầu năm, lên hơn 27.698 tỷ đồng. Trong đó cho vay khách hàng tăng 13% khi chiếm 18.714 tỷ đồng.
Tiền gửi khách hàng cũng tăng trưởng 13% lên mức 20.499 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ cho vay, tổng nợ xấu tính đến 31/12/2022 của SaigonBank chiếm gần 398 tỷ đồng trong tổng dư nợ, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt 83% lên 75,8 tỷ đồng; nợ nghi ngờ giảm 18%; nợ có khả năng mất vốn tăng 32% khi chiếm 234 tỷ đồng.
Do đó, tỷ lệ nợ xấu của SaigonBank tăng từ mức 1.97% của đầu năm lên 2.12%.
Ông Nguyễn Cao Trí bất ngờ mất tư cách Thành viên HĐQT SaigonBank
Trước đó, ngày 19/1/2023, SaigonBank bất ngờ công bố thông tin ông Nguyễn Cao Trí, Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2019 - 2024 đương nhiên mất tư cách Thành viên HĐQT mà không nêu lý do cụ thể.
Ông Nguyễn Cao Trí đã mua vào 579.199 cổ phiếu SGB, tương đương 0,19% hồi tháng 6/2021. Hiện ông Trí còn giữ vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Capella (Capella Holdings), Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Địa ốc Bến Thành, lãnh đạo Công ty Lâu Đài Ven Sông.
Như vậy, hiện HĐQT SaigonBank chỉ còn ông Vũ Quang Lãm (Chủ tịch), ông Trần Thanh Giang (Tổng giám đốc), ông Trần Quốc Thanh, bà Trần Thị Phương Khanh và bà Phạm Thị Kim Lệ (Thành viên độc lập).
SaigonBank hiện có 4 cổ đông lớn chiếm hơn 65% vốn điều lệ là Văn phòng Thành ủy TP.HCM, Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM, Công ty TNHH MTV Xây dựng và Kinh doanh nhà Phú Nhuận.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN