Dự án đầu tư ở khu đất vị trí nhạy cảm như ven biển phải xin ý kiến Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trước khi cấp phép. Ảnh minh họa
Siết tiền kiểm cấp phép đầu tư
Đại diện Bộ KH&ĐT - đơn vị soạn thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) cho biết, dự thảo luật lần này đã hoàn thiện quy định khắc phục hạn chế trong quản lý đầu tư nói chung và quản lý đầu tư nước ngoài nói riêng. Đặc biệt, dự thảo luật có thêm nhiều quy định nhằm chặn đầu tư “chui”, “núp bóng”, chặn các dự án (DA) đầu tư có nguy cơ ảnh hưởng an ninh, quốc phòng, thậm chí để chặn cả chuyện chuyển giá ngay từ khâu đầu tư.
Nội dung được bổ sung gồm: Quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý để áp dụng các biện pháp cần thiết như từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, đình chỉ hoạt động của nhà đầu tư... khi hoạt động đầu tư FDI có nguy cơ gây phương hại đến an ninh, quốc phòng; di tích lịch sử, văn hóa, đạo đức; sức khỏe của cộng đồng và môi trường. Trước khi cấp phép cho dự án FDI, cơ quan đăng ký đầu tư lấy ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đối với trường hợp nhà đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư tại các đảo, xã, phường, thị trấn ven biển, biên giới...
“Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) bổ sung quy định chấm dứt hoạt động đầu tư trong trường hợp DA thực hiện trên cơ sở giao dịch giả tạo. Dự thảo còn bổ sung quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài như phù hợp với quy hoạch; đáp ứng các tiêu chí, định mức về sử dụng đất đai, lao động...”, đại diện Bộ KH&ĐT cho biết.
Xuất phát từ thực trạng DN FDI lợi dụng kẽ hở trong luật để thực hiện các hành vi đầu tư núp bóng, lần sửa đổi này, Luật Đầu tư thêm nhiều quy định chặt chẽ để quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài như yêu cầu doanh nghiệp (trong đó nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ dưới 51% vốn điều lệ) phải báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư trước khi bắt đầu thực hiện dự án đầu tư. Nhà đầu tư phải chuyển vốn thông qua tài khoản vốn mở tại Việt Nam; thông báo trong trường hợp thay đổi cổ đông, thành viên của công ty.
Cần nghiêm túc thực thi quy định
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, các biện pháp đưa ra căn bản bịt được kẽ hở của pháp luật. Theo ông Doanh, các quy định rõ ràng, công khai, minh bạch như trên có thể hạn chế được tình trạng quan chức ở địa phương tự ý cấp phép cho dự án. “Điều quan trọng nhất hiện nay là sau khi có quy định, cơ quan chức năng cần giám sát việc thực thi ở các địa phương, đơn vị. Để từ đó tránh để xảy ra việc quy định đã có nhưng không thực hiện đúng”, ông Doanh nói.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, đánh giá, nhiều địa phương đã có biện pháp ngăn FDI đầu tư núp bóng. Đà Nẵng đưa lực lượng công an, quân đội tham gia giám sát các dự án FDI núp bóng. “Việc giám sát quốc phòng, an ninh minh bạch sẽ không ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh của Việt Nam. Hiện nay, chúng ta có nhiều cách để sàng lọc DN FDI núp bóng như xác định tư cách và tài chính của nhà đầu tư trước khi cấp phép dự án. Đồng thời, tăng cường hậu kiểm bằng cách theo dõi các báo cáo của DN FDI”, ông Huỳnh nói.
Ðại diện Bộ KH&ÐT cho biết, Dự thảo Luật Ðầu tư (sửa đổi) bổ sung quy định chấm dứt hoạt động đầu tư trong trường hợp dự án thực hiện trên cơ sở giao dịch giả tạo. Dự thảo còn bổ sung quy định về điều kiện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài như đảm bảo phù hợp với quy hoạch; đáp ứng các tiêu chí, định mức về sử dụng đất đai, lao động...