Ngày 17/11, Chính phủ chính thức ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 84/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu.
Theo đó, một số thay đổi chính như thời gian điều hành/công bố giá bán lẻ xăng dầu được rút ngắn từ 10 ngày xuống còn 7 ngày (thực hiện vào mỗi thứ 5 hàng tuần). Theo Chứng khoán Vietcap (VCSC), điều này có thể giúp các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu giảm thiểu thiệt hại khi giá dầu tăng đột biến trong thời gian ngắn.
Thứ hai, công thức giá cơ sở vẫn giữ nguyên như trong Nghị định 95, nhưng thời gian rà soát, công bố lại chi phí vận chuyển, và premium (phụ phí khi nhập các sản phẩm dầu) bao gồm trong giá cơ sở, được rút ngắn từ 6 tháng xuống 3 tháng. VCSC nhận định điều này sẽ đảm bảo cập nhật kịp thời chi phí đầu vào cho doanh nghiệp phân phối xăng dầu và giúp bù đắp cho chi phí thực tế.
Thứ ba, đại lý bán lẻ xăng dầu có thể có nhiều hơn một thương nhân phân phối xăng dầu chính (tối đa là 3). Điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh về chiết khấu và tăng tính chủ động của các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu trong việc tích trữ hàng tồn kho, cung cấp xăng dầu cho thị trường và tránh tình trạng thiếu hụt xăng dầu.
Thứ tư, bãi bỏ Tổng đại lý bán lẻ xăng dầu để giảm bớt giai đoạn trung gian trong hệ thống phân phối xăng dầu. Hiện nay, có khoảng 29 thương nhân đầu mối (PLX, PV Oil, ...), 120 thương nhân phân phối và hơn 14.000 doanh nghiệp bán lẻ (trạm xăng dầu) bao gồm các trạm do công ty sở hữu - công ty vận hành (COCO) và các trạm do đại lý sở hữu - đại lý vận hành (DODO).
Thứ năm, chi phí định mức và lợi nhuận định mức trên mỗi lít vẫn sẽ được rà soát, xem xét lại mỗi năm một lần.
Tóm lại, VCSC cho rằng quy định kinh doanh mới có thể tác động tích cực nhẹ đối với các nhà phân phối xăng dầu.