Sáng 20/12, CTCP Tập đoàn KIDO (HoSE: KDC) đã thông qua phương án mua lại 10 triệu cổ phiếu KDC, tương ứng 3,57% lượng cổ phiếu đang lưu hành. Đồng thời, KIDO cũng sẽ bán toàn bộ hơn 22,5 triệu cổ phiếu quỹ đang nắm giữ trước khi tiến hành mua lại 10 triệu cổ phiếu nêu trên.
Hiện KIDO đang sở hữu 22,5 triệu cổ phiếu quỹ, với giá trị ghi nhận trên báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022 là hơn 865 tỷ đồng, tức trung bình 38.400 đồng/cp.
Dự kiến sau giao dịch mua lại thành công 10 triệu cổ phiếu này, vốn điều lệ của KIDO sẽ điều chỉnh giảm từ 2.797 tỷ xuống xuống 2.697 tỷ đồng.
Đại hội cũng thông qua việc chia cổ tức đặc biệt từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối với tỷ lệ tối đa 50% bằng tiền mặt, tương ứng khoảng 1.336 tỷ đồng.
|
ĐHĐCĐ KIDO sáng 20/12 thông qua việc mua lại 10 triệu cổ phiếu quỹ |
Liên quan đến việc bán cổ phiếu quỹ, Phó Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Trần Lệ Nguyên cho biết, KIDO đã đàm phán và ký kết ghi nhớ với tập đoàn quốc tế lớn (không phải quỹ đầu tư), để hợp tác sản xuất sản phẩm cũng như xuất khẩu đi các nước, chuyển giao công nghệ, gia nhập hệ thống đa quốc gia...
Theo ông, thời gian qua, trong tình hình sau Covid-19, xung đột Nga – Ukraina ảnh hưởng nguyên liệu, xu hướng tăng lãi suất... doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn tiền sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, KIDO có nguồn tiền thặng dư, thoái vốn, bán cổ phiếu quỹ… nên chiến lược kinh doanh thời gian tới của Tập đoàn không bị ảnh hưởng về nguồn tài chính.
Đối với việc mua lại cổ phiếu, ông Nguyên cho biết để đảm bảo giá trị thật của cổ phiếu KDC trên thị trường. Ông kỳ vọng, sang năm tình hình giá nguyên vật liệu ổn định, cùng với kế hoạch hợp tác đa quốc gia thì lợi nhuận của KIDO sẽ tăng cao, do đó "mong cổ đông ủng hộ cổ phiếu KDC".
Chia sẻ về chiến lược kinh doanh sắp tới của KIDO, ông Nguyên cho biết, chiến lược năm 2023 của KIDO có 4 mảng gồm dầu ăn, kem, bánh kẹo và nước mắm – nước chấm. Định hướng của KIDO là hợp tác liên doanh liên kết với các tập đoàn đa quốc gia nhằm nối thị trường trong nước và quốc tế, mang lại giá trị cao nhất cho cổ đông. Do đó KIDO sẽ tách các công ty thành viên có thể độc lập để hợp tác với các đối tác.
Về thị phần của Tường An, Phó Tổng giám đốc Bùi Thanh Tùng cho biết, từ năm 2018-2021 Tập đoàn đã đầu tư rất nhiều vào các sản phẩm của Tường An, do đó tăng trưởng trung bình ngành dầu chưa tới 10% nhưng Tường An tăng trưởng trên 20%.
Thị phần Tường An trong 3 năm qua tăng trung bình 5-9%, top 2 trên thị trường và chiếm xấp xỉ 39% (bao gồm các sở hữu chéo - số liệu nghiên cứu nội bộ), còn theo AC Nielsen thì thị phần của Tường An là 26%.
Cập nhật về tình hình kinh doanh 11 tháng, KIDO ghi nhận doanh thu thuần 11.465 tỷ đồng, đạt 82% kế hoạch năm. Trong đó ngành dầu ăn đóng góp 81%, ngành lạnh 16%, và ngành khác 3%.
Hiện nay KIDO đang nắm giữ 44,5% thị phần ngành kem của Việt Nam.
|
Chuk Chuk đã chính thức đổi tên thành Chuk Coffee & Tea |
Trước đó, ngày 16/12 vừa qua, KIDO đã thông qua việc thoái vốn khỏi CTCP Đầu tư Thương mại TTV.
Công ty TTV chính là đơn vị vận hành chuỗi F&B với thương hiệu Chuk Chuk. Vốn đầu tư ban đầu theo công bố là 100 tỷ đồng, trong đó KIDO sở hữu 61%. Bà Trần Tuyết Vân, con gái của ông Trần Lệ Nguyên, đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc của TTV. Tại báo cáo tài chính quý 3/2022, KIDO đang đầu tư 308 tỷ đồng tại TTV.
Tháng 7/2022, KIDO cho biết Chuk Chuk đã chính thức đổi tên thành Chuk Coffee & Tea.
KIDO dự kiến năm 2023, chuỗi Chuk Chuk sẽ có trên 100 điểm bán, doanh thu ước đạt hơn 1.200 tỷ đồng, đến năm 2025, có khoảng 1.000 cửa hàng với doanh thu trên 7.800 tỷ đồng.