Chứng khoán Vietcap (VCSC) vừa có chia sẻ thông tin xung quanh cuộc gặp gỡ nhà đầu tư của CTCP Tập đoàn Pan (HoSE: PAN).
Mảng nuôi trồng thủy sản là nguồn doanh thu chính của PAN, chiếm 46% tổng doanh thu vào năm 2022, kế đến là nông nghiệp (36%) và thực phẩm đóng gói (18%).
PAN đã trải qua 9 tháng đầu năm 2023 với nhiều thách thức khi lãi ròng giảm 13% so cùng kỳ. Tuy nhiên, VCSC cho rằng lợi nhuận quý 4/2023 sẽ được cải thiện nhờ kết quả kinh doanh quý 3/2023 đang dần phục hồi, và kỳ vọng về tăng trưởng nhu cầu lương thực thực phẩm trong quý 4/2023.
PAN đặt kế hoạch lãi ròng năm 2023 đạt 840 tỷ đồng, tăng 6% so cùng kỳ. Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều thách thức, Ban lãnh đạo dự phóng sẽ đạt được khoảng 90% kế hoạch đã đề ra trong năm nay.
Sau một thập kỷ tập trung vào M&A với tổng giá trị đầu tư tích lũy đạt 190 triệu USD (tính đến cuối năm 2022), PAN hiện tại đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên trong việc xây dựng chuỗi giá trị nông nghiệp và thực phẩm, từ đó tạo nền tảng vững chắc để bước vào chu kỳ phát triển mới.
Theo VCSC, kể từ năm 2022, PAN chính thức bước vào chu kỳ tăng trưởng. Cụ thể, ban lãnh đạo đặt mục tiêu lãi ròng năm 2025 đạt 1,5 nghìn tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2022, với mức tăng trưởng doanh thu tối thiểu 25%/năm trong giai đoạn 2024-2025.
Ngoài ra, từ năm 2023, PAN cũng dự kiến sẽ bắt đầu trả cổ tức bằng tiền mặt, với 500 đồng/cp trong năm 2023 và 1.000 đồng/cp kể từ năm 2024.
PAN hiện đang giao dịch với P/E trượt ở mức 12,3 lần, giảm 57% so với mức trung bình của các công ty cùng ngành là 28,4 lần.
VCSC cũng lưu ý rủi ro chính của PAN là tỷ lệ đòn bẩy cao hơn, đầu tư vào chứng khoán kinh doanh ở mức cao và nhu cầu xuất khẩu thủy sản phục hồi chậm hơn dự kiến.
Trong khi đó trên thị trường, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/12, cổ phiếu PAN đỏ điểm ở mức 19.450 đồng/cp, ghi nhận mức giảm gần 11% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản bình quân ở mức 1,4 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.