|
'Ông trùm' lúa gạo Lộc Trời (LTG) mở công ty con bán phế liệu |
Ngày 19/6, CTCP Tập đoàn Lộc Trời (MCK: LTG) đã công bố nghị quyết HĐQT về việc góp vốn thành lập CTCP Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời. Công ty mới có tổng vốn điều lệ 55 tỷ đồng và được thành lập bởi sự góp vốn của 4 công ty.
Cụ thể, Tập đoàn Lộc Trời góp 41,25 tỷ đồng, chiếm 75% vốn điều lệ của công ty con; Công ty Cổ phần Nông sản Lộc Trời góp 5,5 tỷ đồng, tương đương 10% vốn; Công ty TNHH Dịch vụ Nông nghiệp Lộc Trời góp 5,5 tỷ đồng, cũng chiếm 10% vốn và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Lộc Trời góp 2,75 tỷ đồng, tương đương 5% vốn.
Việc góp vốn sẽ được thực hiện trong vòng 90 ngày kể từ ngày Công ty Cổ phần Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời nhận được Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Được biết, Vật tư Nông nghiệp Lộc Trời sẽ kinh doanh chính trong lĩnh vực bán buôn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và các hóa chất khác sử dụng trong nông nghiệp; bán buôn phế liệu, phế thải kim loại, phi kim loại; và bán buôn bao bì các loại.
Theo báo cáo tài chính, tính đến ngày 31/03/2024, Lộc Trời có 22 công ty con và 5 công ty liên kết, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất và bán buôn gạo, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, và vật tư nông nghiệp.
Trong quý đầu năm 2024, Lộc Trời đạt doanh thu 3.849 tỷ đồng, tăng 57% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, công ty vẫn lỗ sau thuế 96 tỷ đồng trong quý 1/2024, cao hơn so với mức lỗ của cùng kỳ năm trước.
Theo giải thích từ Lộc Trời, công ty phải ứng trước tiền sản xuất và giống cho nông dân với lãi suất 0% để thu mua gạo và tiến hành chế biến, xuất khẩu. Trong khi đó, công ty vay vốn ngân hàng với lãi suất cao trong giai đoạn thị trường vốn gặp khó khăn. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận giảm. Bên cạnh đó, việc lỗ tỷ giá hối đoái cũng góp phần làm “ăn mòn” lợi nhuận của Lộc Trời.
|
Lợi nhuận ròng của Tập đoàn Lộc Trời (LTG) từ năm 2019 - Q1/2024 |
Trước đó không lâu, Lộc Trời còn gặp phải tai tiếng khi nợ tiền lúa của nông dân ở An Giang và một số địa phương khác thuộc ĐBSCL hàng trăm tỷ đồng. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, trong vụ Đông Xuân 2023-2024, Tập đoàn Lộc Trời đã ký hợp đồng tiêu thụ trên 16.070 ha. Đến ngày 12/4/2024, Lộc Trời còn nợ 928 nông dân tổng số tiền gần 246 tỷ đồng, với cam kết chi trả dứt điểm toàn bộ số tiền còn nợ chậm nhất vào ngày 26/4/2024.
Tuy nhiên, đến ngày 9/5/2024, Tập đoàn Lộc Trời vẫn chưa thực hiện thanh toán số tiền 159 tỷ đồng cho nông dân.
Cho đến ngày 20/5/2024, sau khi phối hợp với ngân hàng Tiên Phong (TPBank), Lộc Trời đã hoàn tất việc thanh toán toàn bộ số tiền còn thiếu của lúa, thực hiện cam kết với cộng đồng nông dân và chính quyền địa phương.
Lý giải về sự chậm trễ trong việc thanh toán, Lộc Trời cho biết do gặp khó khăn trong việc điều chỉnh dòng tiền từ các khoản vay ngân hàng, đồng thời việc các khách hàng quốc tế cũng chậm thanh toán. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã chấp nhận bán lúa với giá thấp để nhanh chóng có tiền trả nợ và đẩy nhanh tiến độ làm việc với các ngân hàng và đối tác, nhằm tăng cường việc giải ngân cho nông dân.
Một diễn biến khác, Tập đoàn Lộc Trời đã thông báo sửa đổi và bổ sung tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024, dự kiến diễn ra vào ngày 26/6 tới.
Theo đó, công ty đã có điều chỉnh về kế hoạch chi trả cổ tức năm 2023 từ tiền mặt sang hình thức cổ phiếu, với tỷ lệ giữ nguyên là 30%. Trước mắt, trong năm 2024 và 2025, Lộc Trời dự kiến duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức bằng cổ phiếu là 30%. Điều này được công ty giải thích nhằm bảo đảm và nâng cao lợi ích cho cổ đông, đồng thời tăng cường mối liên kết với hiệu suất kinh doanh.
Ngoài ra, LTG cũng đặt mục tiêu đạt lãi sau thuế là 50 tỷ đồng trong năm 2024. Kế hoạch này được công ty đưa ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của quý 1/2024 không thuận lợi như mong đợi.