Theo VCSC, sở dĩ BMP lỗ trong quý 3/2020 do bị ảnh hưởng đáng kể bởi làn sóng dịch COVID-19, khiến hoạt động xây dựng trong nước bị gián đoạn trong khi doanh số của công ty lại tập trung tại các tỉnh/thành miền Nam.
BMP ghi nhận sản lượng bán đạt khoảng 10.800 tấn, giảm mạnh 59% trong quý 3/2021. Ngoài ra, giá nhựa nguyên liệu đầu vào duy trì ở mức cao tiếp tục gây áp lực lên biên lợi nhuận của BMP trong quý 3/2021.
Tính chung 9 tháng 2021, sản lượng bán của BMP đạt khoảng 66.600 tấn, giảm 17% so cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế sơ bộ đạt 100 tỷ đồng, cũng lao dốc 76% so cùng kỳ.
Năm 2021, BMP đặt mục tiêu doanh thu 5.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 523 tỷ đồng. Như vậy, trong 9 tháng, lợi nhuận của BMP còn cách rất xa so với kế hoạch đặt ra.
Trước đó hồi tháng 8, SSI Research cũng cho rằng, kết quả kinh doanh của BMP có thể chạm đáy trong Q3/2021 do chính sách giãn cách xã hội.
Theo ban lãnh đạo BMP khi đó, sản lượng tiêu thụ trong tháng 7 là 5.013 tấn, giảm 50% so với cùng kỳ và lỗ 3,7 tỷ đồng trong tháng – đây là khoản lỗ đầu tiên trong lịch sử của công ty.
Sản lượng trong hai tuần đầu tháng 8 là 664 tấn, và sản lượng cả tháng ước đạt 1.400 tấn - thấp hơn 80% so với kế hoạch tháng. Vì phần lớn các sản phẩm của BMP được bán ở miền Nam, sản lượng của công ty chịu ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách giãn cách xã hội sớm nhất đến giữa tháng 9. Mặt khác, hoạt động đầu tư công đã không mang lại tác động đáng kể đến doanh thu của Công ty.
Do đó, BMP đang hoạt động với công suất khoảng 15% -20%. Trong số các nhà máy ở miền Nam, chỉ có nhà máy Long An đang hoạt động với công suất bình thường, trong khi đó nhà máy tại trụ sở ở TP.HCM đã tạm thời đóng cửa, nhà máy Bình Dương chủ yếu duy trì hoạt động bán hàng. Chỉ 20% nhân viên của công ty tiếp tục làm việc tại chỗ, trong khi khoảng 75% nhân viên của công ty tạm thời không làm việc và nhận mức lương tối thiểu cộng với phụ cấp hỗ trợ.
Do tác động kéo dài của dịch Covid-19 (đặc biệt là trong quý 3), SSI Research hạ ước tính sản lượng tiêu thụ của BMP năm 2021 từ 115 nghìn tấn xuống 99 nghìn tấn (-10% so với cùng kỳ).
SSI Research cũng hạ ước tính tỷ suất lợi nhuận gộp từ 18,2% xuống 14,0% do giả định chi phí đầu vào cao hơn.
Dù vậy, SSI Research kỳ vọng giá hạt nhựa bình quân sẽ tăng 46% trong năm 2021, so với mức tăng 14% của giá bán đầu ra. Theo đó, doanh thu và LNST năm 2021 ước đạt lần lượt là 4,8 nghìn tỷ đồng (+3% so với cùng kỳ) và 202 tỷ đồng (-61% so với cùng kỳ).
SSI Research cho rằng tỷ suất lợi nhuận có thể đạt mức thấp nhất trong Q3/2021 do công suất hoạt động thấp bất thường. Sau đó, tỷ suất lợi nhuận và lợi nhuận của BMP có khả năng phục hồi từ Q4/2021 do nhu cầu bị dồn nén. Ngoài ra, giá PVC đã điều chỉnh 18% so với mức đỉnh trong tháng 4 và dự kiến sẽ tương đối ổn định trong những tháng tiếp theo.