Ngành xây dựng phục hồi: Gọi tên loạt cổ phiếu liên quan

VCSC đánh giá cao BMP và HPG trong nhóm các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, và CTD, VCG, và HHV trong nhóm các nhà thầu.
Chứng khoán Vietcap (VCSC) vừa có báo cáo phân tích ngành Xây dựng với nhận định các dự án công nghiệp, cơ sở hạ tầng dẫn dắt sự phục hồi của ngành.
Ngành xây dựng đóng góp 6-7% vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2013- 2023, thể hiện mối tương quan cao với GDP.
Ngành xây dựng của Việt Nam bao gồm 3 mảng chính: dân dụng, công nghiệp và thương mại, và cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2013-2023, xây dựng dân dụng chiếm 41% tổng giá trị xây dựng, tiếp theo là xây dựng công nghiệp & thương mại (32%) và cơ sở hạ tầng (27%).
VCSC kỳ vọng tất cả các mảng xây dựng đều tăng trưởng trong ngắn và dài hạn, dù sự phục hồi ở mảng dân dụng có thể chậm hơn. VCSC cho rằng xây dựng dân dụng dần tăng trưởng khi lượng giao dịch sơ cấp trên thị trường nhà ở đã phục hồi từ cuối năm 2023.
Trong dài hạn, nền kinh tế ổn định và quá trình đô thị hóa nhanh chóng của Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng dân dụng tăng trưởng. VCSC kỳ vọng dòng vốn FDI mạnh mẽ sẽ là động lực chính thúc đẩy xây dựng công nghiệp & thương mại trong ngắn và dài hạn. Trọng tâm phát triển cơ sở hạ tầng của Chính phủ trong giai đoạn 2021-2030 cũng được dự báo sẽ thúc đẩy ngành xây dựng trong tương lai gần và xa.
Ngành xây dựng của Việt Nam đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn. Dù VCSC kỳ vọng môi trường lãi suất thấp và Luật Đấu thầu mới (có hiệu lực từ ngày 01/01/2024) sẽ mang lại lợi ích cho toàn ngành xây dựng, ngành này vẫn còn đối mặt với một số thách thức trong ngắn hạn, bao gồm cạnh tranh gay gắt, biến động giá vật liệu xây dựng, và áp lực nợ xấu đối với các nhà thầu xây dựng dân dụng.
Nganh xay dung phuc hoi: Goi ten loat co phieu lien quan
 
Các cổ phiếu VCSC đánh giá cao: HPG, BMP, CTD, VCG, và HHV. VCSC đánh giá cao (1) các nhà sản xuất vật liệu xây dựng hưởng lợi từ sự phục hồi trong nước và chi phí đầu vào thấp nhờ nhu cầu yếu từ Trung Quốc, (2) các nhà thầu tổng hợp có vốn mạnh và bề dày kinh nghiệm, và (3) các nhà thầu cơ sở hạ tầng có lượng backlog lớn và/hoặc mối quan hệ mạnh để đảm bảo các hợp đồng mới.
Điều này dẫn đến việc VCSC đánh giá cao BMP và HPG trong nhóm các nhà sản xuất vật liệu xây dựng, và CTD, VCG, và HHV trong nhóm các nhà thầu.
VCSC đánh giá cao các công ty vật liệu xây dựng hơn các nhà thầu trong bối cảnh ngành xây dựng phục hồi, vì vị trí thượng nguồn trong chuỗi giá trị ngành cho phép các công ty vật liệu xây dựng ghi nhận lợi nhuận sớm trong chu kỳ xây dựng.
HPG và BMP hưởng lợi từ giá nguyên liệu đầu vào thuận lợi và nhu cầu xây dựng trong nước phục hồi. Nhu cầu yếu từ Trung Quốc đã giữ giá hàng hóa ở mức thấp từ đầu năm đến nay. Đối với thép, dù giá bán đầu ra giảm, chi phí đầu vào cũng giảm nhanh hơn, giúp HPG có thể mở rộng biên lợi nhuận gộp trong nửa cuối năm 2024 và năm 2025. Đối với nhựa, giá nhựa PVC vẫn ở mức thấp, giúp BMP duy trì biên lợi nhuận gộp ở mức cao kỷ lục trong năm 2024/25.
VCSC cho rằng HPG là cơ hội đầu tư với mức tăng trưởng tốt, với lãi ròng dự kiến tăng 80%/23% so cùng kỳ trong năm 2024/2025, nhờ sự phục hồi của xây dựng dân dụng và cơ sở hạ tầng trong nước cùng với kế hoạch mở rộng cho năm 2025.
Đối với BMP, mặc dù doanh thu tăng trưởng chậm hơn (do có sự phụ thuộc lớn vào xây dựng dân dụng), VCSC kỳ vọng lãi ròng sẽ duy trì ở mức cao kỷ lục là 1 nghìn tỷ đồng trong năm 2024/2025 nhờ biên lợi nhuận gộp cao.
Do đó, VCSC cho rằng BMP là lựa chọn cổ phiếu phòng thủ hấp dẫn, với lợi suất cổ tức tiền mặt 12 tháng tiếp theo ở mức trên 10% và định giá hấp dẫn (P/E trung bình giai đoạn 2024-25 là 9,4 lần, thấp hơn mức trung bình trước đây của công ty là 11-12 lần). VCSC đưa ra khuyến nghị Mua cho cả HPG (giá mục tiêu là 32.100 đồng/cổ phiếu) và BMP (giá mục tiêu là 130.300 đồng/cổ phiếu).
CTD hưởng lợi từ chiến lược đa dạng hóa. CTD, một trong những nhà thầu xây dựng dân dụng hàng đầu Việt Nam, đang chuyển hướng sang các dự án công nghiệp do ngành bất động sản phục hồi chậm. Trong năm tài chính 2024, 50% doanh thu của CTD đến từ xây dựng công nghiệp, tiếp theo là xây dựng dân dụng (40%) và thương mại (5%).
Trong năm tài chính 2025, VCSC kỳ vọng CTD sẽ hưởng lợi từ (1) sự phục hồi của ngành bất động sản dân dụng Việt Nam và (2) giải ngân vốn FDI tăng tốc. CTD ước tính backlog đạt 22 nghìn tỷ đồng trong năm tài chính 2025 (105% doanh thu năm 2024), hỗ trợ tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn 2025-2026.
Triển vọng tích cực cho các nhà thầu cơ sở hạ tầng VCG và HHV. VCG và HHV nằm trong số các công ty xây dựng cơ sở hạ tầng hàng đầu, nổi bật với năng lực xây dựng mạnh và lượng backlog lớn. Cả 2 công ty hiện đang thi công Giai đoạn 2 của dự án cao tốc Bắc-Nam và sân bay Long Thành. Các dự án này, cùng với bề dày kinh nghiệm của 2 công ty và kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giai đoạn 2021-2030 của Việt Nam, sẽ thúc đẩy VCG và HHV tăng trưởng mạnh hơn trong trung hạn.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN