OCB nói gì khi lấy ý kiến lập Công ty Quản lý Nợ và Khai thác Tài sản?

Việc OCB lập Công ty Quản lý Nợ và khai thác Tài sản để tăng cường công tác quản lý nợ và khai thác hiệu quả tài sản trước diễn biến gia tăng các khoản nợ xấu đang là vấn đề quan ngại của các NHTM.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa tiến hành lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc thành lập Công ty Quản lý Nợ và Khai thác Tài sản Ngân hàng Phương Đông trực thuộc OCB.
Theo OCB, nhằm tăng cường hiệu quả công tác quản lý nợ và khai thác hiệu quả tài sản của Ngân hàng trước diễn biến gia tăng các khoản nợ xấu đang là vấn đề quan ngại của các NHTM. Theo đó, việc chủ động ứng phó và đón đầu để tăng cường công tác kiểm soát, quản lý một cách hiệu quả, an toàn là mục tiêu hàng đầu của OCB.
Bên cạnh đó, việc thành lập Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản là xu hướng phổ biến của các NHTM.
Ngoài đảm bảo công tác xử lý nợ, việc thành lập các Công ty Quản lý nợ và Khai thác tài sản đã tạo điều kiện cho các ngân hàng chuyên môn hoá hoạt động quản lý và khai thác hiệu quả các tài sản cố định.
Ngày 28/6, NHNN đã ban hành Thông tư 25/2024 thay thế Thông tư 51/2018 đồng thời việc dỡ bỏ yêu cầu về đảm bảo "có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ trên 3% trong 12 tháng liền kề trước tháng đề nghị việc thành lập" đã tạo điều kiện để OCB tái khởi động các thủ tục đề nghị góp vốn thành lập Công ty Quản lý Nợ và Khai thác tài sản trong năm 2024. 
OCB noi gi khi lay y kien lap Cong ty Quan ly No va Khai thac Tai san?-Hinh-3
 
Việc OCB thành lập công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trong bối cảnh tình hình kinh doanh 6 tháng không mấy sáng sủa, nợ xấu tăng mạnh.
Theo đó, tổng thu nhập hoạt động 6 tháng của OCB đạt 4.559 tỷ đồng, tăng nhẹ 2,4% so cùng kỳ. Tuy nhiên, dự phòng rủi ro tín dụng tiếp tục tăng 32% khi chiếm 442 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận sau thuế giảm 18% so cùng kỳ, về còn 1.670 tỷ đồng. 
Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của OCB ở mức 238.883 tỷ đồng, giảm 0,5% so đầu năm. Trong đó, cho vay khách hàng chiếm 152.708 tỷ đồng, tăng 3,7% so đầu kỳ. Trong cơ cấu nợ phải trả, tiền gửi của khách hàng chiếm 131.579 tỷ đồng, tăng nhẹ 4,4%. 
Về chất lượng nợ cho vay, OCB ghi nhận 1.316 tỷ đồng (giảm 55%) là nợ chờ xử lý đã có tài sản gán xiết nợ và nợ tồn đọng có tài sản bảo đảm.
Còn nợ xấu của OCB tăng 22% so đầu năm, lên mức 4.767 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm 2.314 tỷ đồng, tăng 37%; Nợ nghi ngờ cũng tăng 16% lên 1.456 tỷ đồng; Nợ dưới tiêu chuẩn tăng nhẹ 3% với 996 tỷ đồng. 
Do đó, tỷ lệ nợ xấu của OCB tăng từ mức 2,65% của đầu năm lên 3,12%.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN