Có thể kể đến CTCP Thép Mê Lin (MEL), CTCP Gang thép Cao Bằng (CBI), CTCP Thép Thủ Đức – VNSTEEL (TDS)...
Với Gang thép Cao Bằng, công ty báo doanh thu thuần trong quý 2 chỉ đạt 499 tỷ đồng, giảm gần 50% so với cùng kỳ. Gá vốn hàng bán ghi nhận chiếm tới 460 tỷ đồng, khiến lợi nhuận gộp của Gang thép Cao Bằng chỉ còn hơn 38 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm, không chỉ có giá vốn tăng mà các chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng so với cùng kỳ dẫn đến lợi nhuận trước thuế của công ty giảm đến 82%, xuống còn 39 tỷ đồng.
Như vậy, với kết quả kinh doanh trên, Gang thép Cao Bằng mới đạt được 37% kế hoạch doanh thu của cả năm 2022, dự kiến đạt 3.538 tỷ đồng.
Tương tự, một doanh nghiệp khác là Thép Mê Lin có doanh thu trong quý 2 đạt hơn 162 tỷ đồng, giảm 23% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, chi phí giá vốn hàng bán lại chiếm 148 tỷ nên lợi nhuận gộp ở mức hơn 13,5 tỷ đồng, giảm đến 64%.
Ngoài ra, do chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao khiến lợi nhuận của Thép mê Lin trong quý 2 vỏn vẹn chỉ hơn gần 1,7 tỷ đồng, giảm mạnh đến 93% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lũy kế 6 tháng, doanh thu doanh nghiệp này tăng 25% lên 411 tỷ đồng, tuy vậy lợi nhuận vẫn giảm mạnh 68% về còn 12,4 tỷ đồng.
Lãnh đạo doanh nghiệp thép này cho biết, do chịu tác động của giá thép trên thị trường thép thế giới và trong nước giảm mạnh, sản lượng bán của công ty thấp, doanh thu giảm và lợi nhuận cũng giảm theo.
Kinh doanh không được thuận lợi khiến Thép Thủ Đức – VNSTEEL tiếp tục ghi nhận thua lỗ. Quý 2/2022, Thép Thủ Đức ghi nhận doanh thu thuần 358 tỷ đồng, giảm hơn 45% so với cùng kỳ, đồng thời lỗ gộp gần 2,5 tỷ đồng.
Theo lý giải từ Công ty, giá cả đầu ra giảm liên tục từ đầu quý 2 đến nay, cùng với đó là sự sụt giảm về lượng thép tiêu thụ. Điều này khiến công ty ngừng sản xuất, giá thép tồn kho cao từ các tháng trước làm ảnh hưởng tới giá vốn. Tình cảnh này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn quý 2/2021 khi đứt gãy chuỗi cung ứng và nhu cầu mạnh tạo điều kiện cho giá thép bay cao.
Việc tiêu thụ chậm cũng ảnh hưởng tới dòng tiền, kèm theo việc siết tín dụng, lãi suất tăng cao so với cùng kỳ cũng làm chi phí tài chính, nhất là lãi vay, tăng mạnh. Trong kỳ, chi phí tài chính tăng vọt từ 85 triệu lên 2,7 tỷ đồng. Điểm tích cực là các khoản chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm.
Kết quả là hãng thép có trụ sở tại Thủ Đức báo lỗ ròng gần 2 tỷ đồng trong quý 2/2022, trong khi cùng kỳ lãi 34 tỷ đồng. Đây đã là quý thua lỗ thứ 3 trong 4 quý vừa qua của Thép Thủ Đức.
Dự báo ngành thép vẫn còn gặp khó
Thành tích ảm đạm trên được đặt trong bối cảnh sản lượng tiêu thụ và giá thép giảm mạnh. Theo báo cáo từ SSI Research, sản lượng tiêu thụ thép đã chững lại trong vài tháng gần đây, với sản lượng tiêu thụ thép thành phẩm trong nước trong tháng 4-5/2022 giảm khoảng 32% so với cùng kỳ.
Cùng với đó, giá thép cũng lao dốc nhanh chóng. Trong đó, giá thép xây dựng đã trải qua 9 lần giảm liên tiếp trong hơn 1 tháng qua xuống vùng 16 triệu đồng/tấn. Còn giá thép cuộn cán nóng (HRC) tại Việt Nam cũng lao dốc xuống 650 USD/tấn.
Tại ĐHĐCĐ Tập đoàn Hòa Phát (HPG) ngày 24/5, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT HPG nêu lý do đặt kế hoạch lợi nhuận năm nay giảm so với năm ngoái, dù quý 1 lãi cao: “Quý vị cứ đợi kết quả kinh doanh quý 2, quý 3, quý 4 đi rồi sẽ thấy. Lúc này, ngành thép đang không thuận lợi. Đợi hai tháng nữa là có kết quả kinh doanh quý 2/2022, cổ đông sẽ thấy tình hình thê thảm thế nào”.
Lý giải về những khó khăn của ngành thép, ông Trần Đình Long chỉ ra giá nguyên vật liệu tăng mạnh do xung đột Nga - Ukraine làm giá than luyện tăng 100 - 200 USD/tấn. Cùng xu hướng đó, giá thép tại thị trường nội địa cũng đang trên đà giảm trong thời gian gần đây. Trong 1 tháng qua, giá thép xây dựng tại Việt Nam đã giảm 4 lần liên tiếp, xuống quanh 17.2 - 18 triệu đồng/tấn.
Ở mảng tôn, giá thép HRC - nguyên liệu chính để sản xuất tôn, cũng giảm mạnh. Mới đây, Hòa Phát cũng đã thông báo giảm giá bán HRC khoảng 130 USD, xuống 793 USD/tấn, còn Fomorsa hạ giá bán HRC xuống 850 - 855 USD/tấn. Theo nguồn tin từ Steelmint, Fomorsa thậm chí còn chiết khấu thêm 30 - 50 USD/tấn cho người mua tại Việt Nam.
Ngược lại, giá than cốc lại liên tục tăng nóng trong thời gian qua và hiện vẫn đang neo tại vùng đỉnh lịch sử. Than là nguyên, nhiên liệu đầu vào chiếm tỷ trọng cao nhất trong quá trình sản xuất gang thép. Vì thế, việc giá than liên tục leo thang cũng ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép.
Thêm nữa, căng thẳng địa chính trị giữa Nga – Ukraine cũng tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy chi phí logistics tăng cao. Điều này gây áp lực không nhỏ lên biên lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép.
Một nguyên nhân nữa khiến ông Long thận trọng với triển vọng ngành thép là việc Trung Quốc tiếp tục duy trì chính sách "Zero Covid" khiến cho nhu cầu thép giảm tại thị trường này giảm. Trung Quốc hiện đang là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hòa Phát. Thực tế, đây vốn không phải là vấn đề của riêng Hòa Phát mà là khó khăn chung đối với ngành thép và khó có thể giải quyết trong "một sớm một chiều".
Đánh giá về triển vọng xuất khẩu thép, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng mức xuất khẩu cao của năm 2021 sẽ khó lặp lại. Điều này là do các đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu, kết hợp với nhu cầu hàng không thiết yếu suy giảm do lạm phát kỷ lục tại châu Âu; cạnh tranh tại Mỹ gia tăng do nước này đã nới lỏng chính sách thuế quan với thép Nhật; và châu Âu và Nga đặt mục tiêu xuất khẩu nhiều hơn sang Đông Nam Á.
Dù nhận định trung lập nhưng Chứng khoán BSC cũng đánh giá biên lợi nhuận ngành thép sẽ suy giảm do giá bán thép bình quân năm 2022 giảm khi cạnh tranh trong ngành gia tăng.