Kết phiên sáng 19/7, thị trường giao dịch ảm đạm và giảm gần 6 điểm, cổ phiếu bán lẻ tiếp tục chiều hướng tiêu cực khi hầu hết rơi vào sắc đỏ với mức giảm trên 1%, ngoại trừ PET vẫn giữ được sắc xanh.
Tính từ phiên 7/6 đến hiện tại, cổ phiếu PNJ của Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận giảm từ vùng 128.000 đồng/cp xuống 111.000 đồng/cp (-13,3%); cổ phiếu MWG của Thế giới Di động giảm từ 154.000 đồng/cp xuống 59.900 đồng/cp (-61,1%); cổ phiếu DWG giảm từ 139.000 đồng/cp xuống 54.100 đồng/cp (-62%).
Tương tự, cổ phiếu FRT giảm từ 136.000 đồng/cp xuống 70.400 đồng/cp (-49%), cổ phiếu PET của Dịch vụ tổng hợp dầu khí giảm từ 45.900 đồng/cp xuống 33.300 đồng/cp (-27,4%)...
|
Cổ phiếu bán lẻ dần thoái trào |
Khối ngoại 'chê', tự doanh cũng tháo chạy với cổ phiếu bán lẻ
Trước đây, cổ phiếu MWG từng được khối ngoại săn đón và luôn trong tình trạng kín room. Nhà đầu tư nước ngoài muốn mua được MWG phải thỏa thuận với cổ đông ngoại của Thế Giới Di Động và trả một khoản chênh lệch (premium) so với giá hiển thị trên bảng điện.
Tuy nhiên trong 5 tuần liên tiếp vào tháng 6 và đầu tháng 7/2022, nhà đầu tư ngoại đã bán ròng MWG với tổng giá trị 415 tỷ đồng.
Hiện nay, Thế Giới Di Động vẫn đang còn hở room cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, hai cổ phiếu cùng ngành là FRT và DGW cũng bị khối ngoại rút vốn. Từ đầu năm đến hết tuần 15/7, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 92 tỷ đồng FRT và 83 tỷ đồng DGW.
Mới đây nhất, trong phiên 18/7, tự doanh bán ròng cổ phiếu nhóm bán lẻ MWG với giá trị bán 33,49 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay. FPT cũng bị bán 15,81 tỷ đồng; PNJ cũng bị xả ròng với giá trị 9,38 tỷ đồng.
Ngược thời gian, ngay từ những ngày đầu năm 2022, cổ phiếu bán lẻ là một trong những nhóm ngành được giới phân tích cũng như các nhà đầu tư kỳ vọng dựa trên quan điểm đây là nhóm hưởng lợi từ nhu cầu hồi phục hậu Covid-19.
Cũng từ thời điểm đó, cổ phiếu ngành bán lẻ không ngừng gây chú ý khi hết đợt sóng này lại nối tiếp đợt sóng khác, thậm chí có cổ phiếu liên tiếp lập đỉnh mới, rồi lại phá đỉnh như FRT, PET. Ngay cả trong thời gian VN-Index giảm mạnh, cổ phiếu bán lẻ vẫn được đánh giá cao khi vẫn có mức tăng trưởng vượt trội.
Cho tới thời điểm hiện tại, bán lẻ là nhóm bị đánh giá là gặp bất lợi lớn nhất khi mà lạm phát gia tăng, kinh tế suy thoái, nhu cầu tiêu dùng các sản phẩm không thiết yếu của người dân chậm lại.
Các công ty chứng khoán cũng nhận định tiêu cực với cổ phiếu bán lẻ
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán SSI cho biết lạm phát gia tăng sẽ tác động tiêu cực đến chi tiêu của người tiêu dùng nên tăng trưởng của các doanh nghiệp bán lẻ có thể không cao như kỳ vọng trước đây.
Tăng trưởng lợi nhuận của DGW và FRT được cho là đã đạt đỉnh vào quý 4/2021, trong khi PNJ có thể đạt đỉnh vào quý 3/2022. Do lạm phát vẫn có thể tiếp tục lên cao trong các quý tới, SSI khuyến nghị giảm tỷ trọng đối với các cổ phiếu bán lẻ trong ngắn hạn.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Rồng Việt (VDS) lưu ý, áp lực chốt lời nhóm cổ phiếu bán lẻ trong ngắn hạn đang tăng lên đáng kể.
Nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu nên cân nhắc thời điểm chốt lời phù hợp đối với các mã đã có đà tăng giá mạnh mà không được hỗ trợ một cách chắc chắn bởi triển vọng lợi nhuận các quý tiếp theo, hoặc các cổ phiếu có mặt bằng định giá cao hơn đáng kể so với trung bình trong quá khứ.