Theo tiết lộ tại cuộc họp với nhà đầu tư vừa qua, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) tự tin sẽ đạt được mục tiêu lợi nhuận sau thuế là 2,4 nghìn tỷ đồng trong năm 2024 nhờ cơ cấu chi phí hoạt động được tối ưu hóa hơn, với việc giảm thiểu chi phí cố định vào cuối năm 2023.
Tính từ đầu năm đến nay, doanh thu của Thế giới Di động và Điện máy Xanh đi ngang so với cùng kỳ, và doanh thu theo cửa hàng/tháng của Bách hóa Xanh vẫn duy trì ổn định ở mức 1,8 tỷ đồng - mức doanh thu của hàng/tháng đạt được vào tháng 12/2023.
Về Thế giới Di động và Điện máy Xanh, MWG đã không còn tham gia vào cuộc chiến giá diễn ra trong năm 2023. Ngoài ra, ban lãnh đạo nhận thấy sự cạnh tranh về giá đã giảm bớt so với năm trước.
Ban lãnh đạo tin rằng mức tồn kho hiện tại của Thế giới Di động và Điện máy Xanh đủ an toàn và đa dạng để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Ban lãnh đạo dự kiến chi vốn xây dựng cơ bản cho Thế giới Di động và Điện máy Xanh trong năm 2024 sẽ dưới 500 tỷ đồng.
Về Bách hóa Xanh, Ban lãnh đạo cho biết trong quý 4/2023, Bách hóa Xanh ghi nhận khoản chi phí bất thường khoảng 100 tỷ đồng do thanh lý tài sản cố định. Diễn biến tương tự như quý 3/2023 khi chi phí bất thường cho thanh lý tài sản cố định khoảng 90 tỷ đồng. Đây là các tài sản cố định từ các cửa hàng đóng cửa trong thời gian cải tạo. Ban lãnh đạo quyết định thanh lý vì chúng không còn sử dụng được. Tất cả các khoản chi phí bất thường đều được ghi nhận trong năm 2023 và ban lãnh đạo dự kiến sẽ không ghi nhận bất kỳ khoản chi phí bất thường lớn nào trong năm 2024.
Bách hóa Xanh giữ nguyên mục tiêu hòa vốn ròng cả năm tài chính năm 2024. Chiến lược của Bách hóa Xanh bao gồm (1) tăng trưởng doanh thu tại cửa hàng cùng kỳ (SSSG), (2) mở 100 cửa hàng mới tại TP.HCM, và (3) tối ưu hóa chi phí trung tâm phân phối. Ban lãnh đạo dự kiến doanh thu của Bách hóa Xanh tăng khoảng 20% so cùng kỳ với doanh thu/cửa hàng của các cửa hàng mở trước năm 2024 đạt 2 tỷ đồng trong năm 2024. Tuy nhiên, ban lãnh đạo dự kiến biên lợi gộp của Bách hóa Xanh có thể giảm để tăng doanh số, đặc biệt là trong mảng thực phẩm tươi sống có biên lợi gộp thấp.
Đối với chuỗi nhà thuốc An Khang, khi An Khang mở rộng trong tương lai, MWG sẽ cân nhắc bổ nhiệm một CEO mới để điều hành chuỗi nhà thuốc này. Hiện ông Đoàn Văn Hiểu Em - CEO của Thế giới Di động và Điện máy Xanh hiện đang phụ trách chuỗi nhà thuốc An Khang.
An Khang giữ nguyên mục tiêu hòa vốn ròng vào cuối năm 2024. Công ty cho rằng để đạt được mục tiêu này, doanh thu trung bình theo cửa hàng/tháng của An Khang phải trên 500 triệu đồng.
Ban lãnh đạo nhận thấy việc quản lý một doanh nghiệp dược phẩm tại Việt Nam là một thách thức. Mặc dù An Khang không tích cực tìm kiếm đối tác bên ngoài, nhưng công ty sẵn sàng hợp tác với bất kỳ chuyên gia hoặc nhà đầu tư dược phẩm nào.
MWG sẽ cân nhắc việc trả cổ tức bằng tiền mặt và/hoặc mua lại cổ phiếu và có thể thông báo chi tiết hơn tại ĐHCĐ năm 2024.
Theo Chứng khoán Vietcap (VCSC), việc ban lãnh đạo bày tỏ sự tin tưởng nhất trí vào việc đạt được mục tiêu lợi nhuận sau thuế là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên, chiến lược của công ty vẫn tập trung vào việc tối đa hóa doanh thu tuyệt đối và lợi nhuận ròng, điều này củng cố quan điểm về khả năng phục hồi khiêm tốn của lợi nhuận ICT và hàng điện máy của MWG.
Đối với Bách hóa Xanh, mục tiêu đạt lợi nhuận ròng hòa vốn cả năm của MWG lạc quan hơn dự báo của VCSC về khoản lỗ ròng 280 tỷ đồng cho năm 2024.