Sau khi CTCP Vĩnh Hoàn (VHC) công bố kết quả kinh doanh quý 1 và kế hoạch năm 2022, CTCK SSI đã nâng dự phóng doanh thu thuần năm 2022 của doanh nghiệp này lên 13.400 tỷ đồng, tăng 48% so với năm 2021 và lợi nhuận có thể đạt 1.900 tỷ đồng, tăng 71%.
Theo SSI, lợi nhuận mảng cá tra của Vĩnh Hoàn có thể đạt đỉnh trong năm 2022 khi doanh nghiệp này đang phát triển trung tâm cá giống và mở rộng tổng diện tích nuôi khoảng 100-150 ha, nâng tỷ trọng cá nguyên liệu tự cung tự cấp lên mức 70%.
Việc chủ động nguyên liệu sẽ giúp VHC gia tăng thị phần ở Mỹ, vốn có mức tiêu thụ khá ổn định. Đồng thời, VHC cũng kỳ vọng có thêm cơ hội từ thị trường Châu Âu và Trung Quốc trong trung hạn.
Đối với thị trường Châu Âu, nhu cầu có thể thay đổi do thuế nhập khẩu giảm từ 5,5% xuống 0% trong năm 2024 (EVFTA) và xung đột giữa Nga-Ukraine gây ra sự thiếu hụt nguồn cung cá minh thái.
Còn ở thị trường Trung Quốc, VHC dự kiến nhu cầu sẽ bị dồn nén khi nền kinh tế mở cửa trở lại, do hàng tồn kho ở mức thấp.
Ngoài mảng chủ đạo là cá tra đông lạnh, Vĩnh Hoàn còn đang đầu tư vào nhà máy collagen và gelatin với 3.000 tấn gelatin/năm; 1.000 tấn collagen/năm.
Ngoài ra, VHC cũng đang đầu tư nhà máy thứ 3 cho Sa Giang với các sản phẩm từ gạo khác. Theo đó, công suất hiện tại của nhà máy bánh phồng tôm Sa Giang là 10.000 tấn/năm và công suất sản phẩm từ lúa là 6.000 tấn/năm.
Mới đây, tại ĐHCĐ thường niên, Vĩnh Hoàn đã mục tiêu doanh thu thuần hợp nhất 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.600 tỷ đồng, tương ứng tăng 44% và tăng 46% so với năm 2021.
Theo CTCK SSI, trong quý 1, kim ngạch xuất khẩu cá tra của Việt Nam đạt 653 triệu USD, tăng 90% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, xuất khẩu cá tra sang Mỹ, Trung Quốc và châu Âu đều tăng trưởng mạnh, lần lượt tăng 123%; 163%; 86% so với cùng kỳ năm 2021.
Về giá xuất khẩu, giá bán bình quân FOB trong quý I tại thị trường Mỹ và Trung Quốc lần lượt đạt 4,4 USD/kg, tăng 67% so với cùng kỳ và 2,5 USD/kg, tăng 40%.
SSI kỳ vọng giá cá tra phi lê tại Mỹ sẽ duy trì ở mức 4,6 USD/kg trong tháng 3 hoặc cao hơn trong suốt cả năm; giá bán bình quân cá tra ở Trung Quốc sẽ phục hồi khi nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại.
Trong quý 1, VHC đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt là 3.300 tỷ đồng, tăng 83% so với cùng kỳ năm 2021 và 553 tỷ đồng, tăng 321%. Với kết quả này, VHC đã hoàn thành 25% kế hoạch doanh thu thuần và 34% mục tiêu lợi nhuận ròng trong năm 2022.
Biên lợi nhuận gộp đạt 23,8%, cao hơn nhẹ so với mức 23,7% trong quý 4/2021 do giá bán cá tra tăng lên 4,8 USD/kg, tăng 26% so với đầu năm.
Tính đến 31/3, tổng tài sản của VHC ghi nhận gần 10.283 tỷ đồng, tăng 18% so với hồi đầu năm.
Giá trị hàng tồn kho cũng tăng 35%, lên gần 2.429 tỷ đồng. Trong đó, giá gốc chi phí sản xuất kinh doanh dở dang hơn 1.219 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm.
Trước triển vọng kết quả kinh doanh khởi sắc, cổ phiếu nhóm cá tra liên tiếp lập đỉnh bất chấp thị trường chung giảm. Phiên 29/4, cổ phiếu VHC có giá 102.000 đồng/cp, điều chỉnh nhẹ so với đỉnh 106.400 đồng/cp phiên 20/4.