Cho đến thời điểm hiện tại, đã có nhiều doanh nghiệp ngành thép công bố kết quả kinh doanh quý 3/2021. Mặc dù được hỗ trợ ở mảng xuất khẩu song sản lượng tiêu thụ thép vẫn ở mức yếu dẫn đến lợi nhuận quý 3 dù tăng trưởng so với cùng kỳ song lại sụt giảm đáng kể so với quý 2/2021.
Trong quý 3, Tập đoàn Thép Tiến Lên (TLH) ghi nhận doanh thu thuần đạt 910 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 106 tỷ đồng, tăng 8 lần so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại giảm 46% so với quý 2/2021.
Tại Gang thép Thái Nguyên (TIS), doanh thu quý 3/2021 ghi nhận 3.084 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng mạnh, trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng cao dẫn đến lãi thuần 19 tỷ đồng.
Sau khi trừ đi các khoản chi phí phát sinh, TIS báo lãi sau thuế 9,9 tỷ đồng, tăng mạnh so với con số cùng kỳ năm ngoái 414 triệu đồng. Tuy vậy, so với quý liền kề trước đó, lợi nhuận TIS giảm mạnh, quý 2/2021 TIS lãi 65,6 tỷ đồng.
Tương tự tại Đầu tư Thương mại SMC, doanh thu quý này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận 4.141 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 128 tỷ đồng trong quý 3, tăng mạnh so với con số 99,9 tỷ đồng quý 3/2020, tuy vậy, giảm đáng kể so với con số 532 tỷ đồng của quý 2/2021.
Doanh nghiệp cho biết sản lượng tiêu thụ quý 3 chỉ bằng 53% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá bán duy trì ở mức cao, giá vốn ở mức bình quân thấp giúp biên lợi nhuận tốt, đảm bảo bù đắp toàn bộ chi phí cố định và có lãi. Đồng thời, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vòng quay luân chuyển vốn trong quý chậm hơn nhưng đơn vị đã chủ động kiểm soát để không làm ảnh hưởng hoạt động chung.
|
Kết quả kinh doanh của doanh nghiệp thép đã hạ nhiệt. |
Thép Mê Lin (MEL) cũng báo lãi sau thuế quý 3 này gần 19 tỷ đồng, cao gấp 11 lần cùng kỳ. Nhưng so với cùng kỳ liền trước, con số này giảm 20% với mức lãi hơn 23 tỷ đồng.
Thép Mê Lin cho biết trong quý 3/2021 biến động giá thép trong nước tăng cao so với quý 3/2020 trong khi lượng hàng tồn kho của công ty vẫn ở giá tương đối thấp nên lợi nhuận tăng cao. Đồng thời công ty cũng tiết kiệm tối đa các chi phí sản xuất kinh doanh như bán hàng, chi phí lãi vay giảm cũng làm cho hiệu quả tăng lên.
Thậm chí, tại Thép Thủ Đức (TDS), doanh nghiệp này còn lỗ đến 643 triệu đồng trong quý 3/2021 trong khi năm ngoái lãi 2,1 tỷ đồng và quý liền kề trước đó lãi đến 34 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp thép đầu ngành như Hòa Phát, Hoa Sen, Nam Kim, Pomina… chưa công bố BCTC quý 3. Hòa Phát và Hoa Sen được dự báo tăng trưởng mạnh lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước nhưng không thể vượt qua mức đỉnh thiết lập quý 2. Nam Kim vẫn tăng trưởng sản lượng bất chấp dịch bệnh, Pomina giảm sâu.
Chứng khoán SSI ước tính Hoà Phát (HPG) có thể đạt 8.700 tỷ đồng lợi nhuận ròng trong quý 3/2021, tăng trưởng đáng kể 131% so với cùng kỳ nhờ sản lượng HRC tăng mạnh 167% so với cùng kỳ, đây là mảng có biên lợi nhuận cao nhất trong số các dòng sản phẩm.
Ngoài ra, giá thép xây dựng tăng 50% và giá HRC tăng gấp đôi cũng giúp biên lợi nhuận của HPG tăng đáng kể so với cùng kỳ. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này đã chững lại so với quý 2/2021 khi HPG báo lãi lên đến 9.745 tỷ đồng.
Tuy vậy, ban lãnh đạo Hòa Phát tiết lộ doanh thu quý 3 này có thể đạt 38.900 tỷ đồng, tăng 56% cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế lần đầu tiên trong lịch sử đạt 10.350 tỷ đồng, gấp 2,7 lần so với cùng kỳ năm trước. Nếu con số lãi thực tế như ước tính thì HPG ghi nhận lãi hơn 605 tỷ đồng so quý trước.
Còn tại Hoa Sen (HSG), SSI ước tính lợi nhuận ròng quý 4/2021 năm tài chính của doanh nghiệp tôn mạ này tăng 110% lên 950 tỷ đồng nhờ sản lượng tăng 6,5% và giá bán trung bình tăng 72%. Tuy vậy, con số này đã giảm đáng kể so với quý liền kề trước đó đạt 1.701 tỷ đồng.
Nam Kim (NKG) được kỳ vọng lợi nhuận khả quan quý 3 bất chấp diễn biến dịch bệnh. Bán hàng tôn mạ - sản phẩm chủ lực tiếp tục tăng trong tháng 8 và 9 với động lực đến từ xuất khẩu. Lũy kế quý 3, tiêu thụ tôn mạ Nam Kim đạt 258.684 tấn, tăng 13,1% so với quý 2. Tỷ trọng xuất khẩu lên đến 87%.