VNDirect phát hành báo cáo lần đầu cho MCH với khuyến nghị khả quan, giá mục tiêu là 146.800 đồng/cp, dựa trên sự kết hợp với tỷ trọng bằng nhau giữa phương pháp định giá DCF (WACC: 9,2%, tăng trưởng dài hạn: 1,0%) và P/E mục tiêu cho năm 2022 là 20,0x.
P/E mục tiêu cho năm 2022 cao hơn P/E hiện tại là 18,9x. VNDirect tin rằng mức P/E này là hợp lý đối với MCH nhờ ROE vượt trội (35,0% so với trung bình các công ty cùng ngành là 16,8% trong năm 2021).
Tiềm năng tăng giá bao gồm 1) nhu cầu thực phẩm tiện lợi cao hơn dự kiến do tác động của các lệnh giãn cách xã hội và 2) giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn dự kiến.
VNDirect ưa thích MCH vì: Vị trí dẫn đầu trên thị trường nước mắm và vị trí thứ hai trên thị trường mì ăn liền. Việc hợp nhất với Vincommerce sẽ mang lại cho MCH lợi thế lớn về hệ thống bán lẻ so với các đối thủ trong ngành.
Lợi nhuận ròng của MCH tăng trưởng kép hàng năm đạt 12,0% trong giai đoạn 2021-23 nhờ nâng cấp danh mục sản phẩm và thâm nhập sâu hơn vào ngành nước giải khát. Cổ tức tiền mặt luôn ổn định ở mức 4.500 đồng/cp kể từ khi niêm yết trên UPCoM năm 2017.
|
MCH được khuyến nghị với giá mục tiêu đến 146.800 đồng/cp. |
MCH là “con gà đẻ trứng vàng” của tập đoàn Masan, đóng góp khoảng 30,5% doanh thu và 37,1% EBITDA của MSN năm 2020. Trong T12/19, MSN đã mua lại 58% cổ phần của Vincommerce (VCM) từ Vingroup (VIC).
MSN đặt mục tiêu xây dựng một hệ sinh thái đáp ứng mọi nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam bao gồm thực phẩm và đồ uống, tài chính, giáo dục, xã hội, giải trí và chăm sóc sức khỏe.
Với MCH và VCM, hai công ty này trở thành một cặp bài trùng trong hệ sinh thái của Tập đoàn Masan, trong đó MCH cung cấp các sản phẩm thiết yếu còn VCM chịu trách nhiệm phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.
Theo VNDirect, nhu cầu của người tiêu dùng đối với gia vị vẫn ổn định qua các năm, do đó kỳ vọng thị trường nước chấm của Việt Nam sẽ tăng trưởng kép đều đặn 4,8% trong giai đoạn từ 2021-23.
Do vị thế thống lĩnh thị trường gia vị của Masan Consumer, VNDirect tin rằng tốc độ tăng trưởng của mảng gia vị MCH sẽ gần tương đương với tốc độ tăng trưởng của thị trường.
Do đó, kỳ vọng doanh thu từ các dòng nước mắm chủ đạo của MCH sẽ tăng trưởng kép 4,8% trong khi doanh thu từ nước mắm cao cấp tăng trưởng kép 15,0% trong năm 2022-23 nhờ tập trung vào các sản phẩm cao cấp với giá bán cao hơn.
Nhìn chung, VNDirect kỳ vọng doanh thu từ gia vị của MCH đạt 10.299 tỷ đồng trong năm 2021 với tốc độ tăng tưởng kép là 7,5%, gần tương đương với tốc độ trong giai đoạn 2016-20 là 8,9%.
Trong giai đoạn năm 2021-23, MCH có kế hoạch phát triển hơn nữa bộ giải pháp bữa ăn hoàn chỉnh bằng cách tập trung vào bao bì ly cao cấp (so với gói), phát triển các dòng sản phẩm mới (chẳng hạn như phở) và tăng hàm lượng thịt trong mỗi sản phẩm.
Do đó, kỳ vọng doanh thu từ các thương hiệu cao cấp (Omachi, Chinsu) sẽ tăng trưởng 20,0% svck trong năm 2021 và đạt tốc độ tăng trưởng kép là 15,0% trong giai đoạn 2021-23.
Trong khi đó, doanh thu của thương hiệu trung cấp (Kokomi) dự kiến sẽ tăng 15% svck do nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu trong nửa cuối năm 2021 tăng bởi các biện pháp giãn cách xã hội.
VNDirect kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận ròng năm 2021 của MCH sẽ tăng trưởng lần lượt 12,6% và 12,2% nhờ:
Doanh thu từ thực phẩm tiện lợi và gia vị tăng trưởng 17,2%/9,4% svck do 1) nhu cầu dự trữ thực phẩm trong 6T21 do các lệnh giãn cách xã hội và 2) chiến lược tập trung vào các sản phẩm cao cấp và các giải pháp cho bữa ăn hoàn chỉnh.
Doanh thu của nước giải khát tăng 11,2% svck lên 4.145 tỷ đồng nhờ thị phần lớn hơn trong ngành hàng nước tăng lực.
Trong 6T21, biên lợi nhuận gộp của MCH giảm nhẹ 0,2% điểm xuống 40,9%. Theo VNDirect, sự sụt giảm này là do:
1) sự thay đổi về cơ cấu sản phẩm do MCH đã hợp nhất với NET vào T2/20 - có biên lợi nhuận gộp thấp hơn 15,6% -21,0% so với các phân khúc chính của MCH và 2) giá nguyên liệu đầu vào tăng theo xu hướng tăng của giá hàng hóa toàn cầu.
Trong năm 2021, VNDirect dự báo biên lợi nhuận gộp trong thực phẩm tiện lợi và gia vị giảm lần lượt 0,5% và 0,5% do chi phí đầu vào tăng. Tuy nhiên, việc chi phí nguyên vật liệu tăng một phần sẽ được bù đắp nhờ chiến lược tập trung vào các sản phẩm cao cấp có giá bán cao gấp đôi so với các sản phẩm tầm trung.
Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp của mảng kinh doanh mới – HPC vẫn thấp hơn các mảng khác của MCH từ 13-26% điểm. Do đó, biên lợi nhuận gộp thu hẹp 0,4% điểm trong năm tài chính 2021.
Chi phí bán hàng và quản lý trên doanh thu giảm 0,7% xuống 16,8% nhờ vào việc tối ưu hóa chi phí quảng cáo và khuyến mại của MCH sau khi hợp nhất với VCM, điều này sẽ bù đắp cho chi phí nhân công và vận chuyển tăng do đại dịch.