Thứ nhất, VNDirect bị phạt 250 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm hành chính: Cung cấp các dịch vụ chứng khoán hoặc dịch vụ khác phải báo cáo UBCKNN trước khi thực hiện nhưng chưa báo cáo UBCKNN, khi chưa có ý kiến bằng văn bản của UBCKNN. Cụ thể, VNDirect phối hợp với bên thứ ba cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền giao dịch mua chứng khoán/rút tiền khi chưa báo cáo UBCKNN, khi chưa có ý kiến bằng văn bản của UBCKNN.
Thứ hai, VNDirect bị phạt 125 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm quy định về nhận lệnh và thực hiện lệnh giao dịch của khách hàng (tại một số ngày VND cho khách hàng đặt lệnh mua chứng khoán khi tài khoản không đủ tiền tại thời điểm đặt lệnh.
Thứ ba, VNDirect bị phạt 175 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Nhận ủy quyền của khách hàng thực hiện chuyển tiền nội bộ giữa các tài khoản của khách hàng.
Thứ tư, VNDirect bị phạt 92,5 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm hành chính: Không công bố đối với thông tin phải công bố theo quy định pháp luật. Cụ thể, VND không công bố thông tin trên trang thông tin điện tử của UBCKNN và trang thông tin điện tử của Công ty đối với các Quyết định của Hội đồng quản trị (HĐQT) số 447-2/2021/QĐ-HĐQT ngày 15/7/2021, số 198-1/2022/QĐ-HĐQT ngày 15/3/2022, các Quyết định của Chủ tịch HĐQT số 273-1/2022/QĐ-CTHĐQT ngày 25/4/2022, số 130-1/2022/QĐ-CTHĐQT ngày 08/03/2022; Công ty không gửi nội dung công bố thông tin cho HNX đối với Báo cáo tình hình thanh toán gốc, lãi trái phiếu năm 2020, Báo cáo tài chính năm 2020, Báo cáo tình hình sử dụng vốn phát hành trái phiếu năm 2020.
Về tình hình kinh doanh năm 2023, VND đạt doanh thu hoạt động 6.561 tỷ đồng, giảm 6%. Lãi sau thuế đạt hơn 2.017 tỷ đồng, tăng 48% chủ yếu nhờ lỗ tài sản FVTPL cũng như các chi phí hoạt động khác giảm đáng kể so với năm trước.
Năm 2023, hoạt động mua bán trái phiếu và chứng khoán chưa niêm yết mang lại cho VND hơn 1.442 tỷ đồng lợi nhuận, gấp gần 4 lần con số 370 tỷ đồng cùng kỳ. Khoản lợi nhuận này chiếm tới 93% lợi nhuận bán tài sản tài chính của Công ty.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của VND đạt gần 41.742 tỷ đồng, tăng gần 8% so với đầu năm. Dư nợ cho vay tăng 13%, đạt hơn 10.276 tỷ đồng.
Tiền và tương đương tiền gấp gần 2 lần đầu năm lên 4.862 tỷ đồng, trong đó khoản mục tiền chiếm tới hơn 2.667 tỷ đồng.
Đáng chú ý, dự phòng suy giảm giá trị các tài sản tài chính và tài sản thế chấp giảm một nửa từ 230 tỷ đồng về còn 119,4 tỷ đồng.
Đồng thời, các khoản phải thu cũng giảm mạnh gần 60% về còn 948 tỷ đồng. Trong đó, phải thu bán tài sản tài chính giảm từ 1.652 tỷ đồng về còn 222 tỷ đồng.
Nợ phải trả chiếm 60% cơ cấu nguồn vốn của VND, ở mức 24.740 tỷ đồng. Vay ngắn hạn chiếm 20.468 tỷ đồng, tăng nhẹ 6% so với đầu năm.
Danh mục tài sản FVTPL của VND giảm 12% so với đầu năm về còn 16.730 tỷ đồng. Danh mục tài sản FVTPL của VND chuyển dịch cơ cấu mạnh so với đầu năm. Trong đó, danh mục cổ phiếu gấp đôi lên mức 1.108 tỷ đồng. Ngược lại, giá trị trái phiếu niêm yết và trái phiếu chưa niêm yết lần lượt giảm gần 45% và 18% về còn 687 tỷ đồng và 7.547 tỷ đồng.
Ở danh mục cổ phiếu, VND mua vào mạnh các mã ngân hàng VPB (455 tỷ đồng) và ACB (63 tỷ đồng). Ngoài ra, Công ty cũng gia tăng tỷ trọng với cổ phiếu HSG (326,6 tỷ đồng).
Trong kỳ, Công ty đã gia tăng sở hữu tại PTI lên trên 20% do đó chuyển khoản đầu tư này từ danh mục FVTPL sang ghi nhận ở các khoản đầu tư dài hạn.