Loạt doanh nghiệp có EPS ‘khủng’, có nên đầu tư?

Có 12 doanh nghiệp ghi nhận EPS từ 10.000 đồng trở lên tính trong 4 quý gần đây nhất.
Mặc dù chịu nhiều sức ép khó khăn từ đầu năm 2020 đến nay, nhất là đại dịch Covid-19, song nhiều doanh nghiệp vẫn hoạt động khá hiệu quả khi mang lại EPS (lợi nhuận trên mỗi cổ phần) cao cho cổ đông. EPS chính là một trong những tiêu chính để nhà đầu tư quyết định “xuống tiền” với cổ phiếu nào trong bối cảnh bạt ngàn mã chứng khoán khác nhau.
Theo thống kê, trong hơn 700 cổ phiếu trên cả 3 sàn chứng khoán (HoSE, HNX và UPCoM) đã công bố đầy đủ báo cáo tài chính, chỉ có 12 doanh nghiệp ghi nhận EPS từ 10.000 đồng trở lên tính trong 4 quý gần nhất đến quý 3/2020 gồm VCF, WCS, BAX, D2D, LHC, RAL, DBC, HTN, SVI, THG, NSC và IDV.
Loat doanh nghiep co EPS ‘khung’, co nen dau tu?
 Top những doanh nghiệp có EPS từ 10.000 đồng trở lên
Dẫn đầu trong nhóm này chính là Vinacafé Biên Hoà (HoSE: VCF) với EPS lên tới 27.615 đồng. Đây là một trong những doanh nghiệp duy trì được EPS và chính sách cổ tức ở mức cao trong nhiều năm liền.
Bởi thế, lợi nhuận ròng 9 tháng 2020 của VCF lên tới 470 tỷ đồng, riêng trong quý 3 mang lại gần 210 tỷ đồng, tăng mạnh 35% so cùng kỳ.
Còn cổ phiếu VCF cũng là một trong số ít có thị giá rất cao trên sàn khi lên tới hơn 220.000 đồng/cp trong phiên sáng 17/11. Tuy nhiên để sở hữu một cổ phiếu VCF sẽ rất khó khăn cho nhà đầu tư khi mà chính Masan đã nắm tới 98,49% lượng cổ phần đang lưu hành. Do đó, khối lượng giao dịch bình quân của VCF chỉ ở mức hơn 500 đơn vị mỗi phiên tính trong 3 tháng qua.
Á quân trong nhóm EPS cao chính là Bến xe Miền Tây (HNX: WCS) với con số 23.841 đồng. Tương tự VCF, dù chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi đợt giãn cách xã hội trong quý 2 và nhu cầu đi lại sụt giảm, EPS tiếp tục nằm trong top những doanh nghiệp sinh lãi tốt nhất trên thị trường. Đồng thời, WCS cũng rất nổi tiếng với việc luôn duy trì chính sách chi trả cổ tức tiền mặt đặc biệt hấp dẫn, như vào giữa tháng 7 đã chi trả đợt 1 năm 2019 lên tới 258%.
Cổ phiếu WCS cũng ngang ngửa VCF khi lên tới 200.000 đồng/cp nhưng thanh khoản lại rất thấp chỉ hơn 2.780 đơn vị mỗi phiên tính trong 3 tháng qua. Bởi cổ đông lớn của WCS gồm Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn đã chi phối 51%, quỹ ngoại America LLC với 17,48% và Đầu tư Thái Bình nắm 10%.
Thống Nhất (HNX: BAX) đã có một quý 3/2020 hoạt động hết sức hiệu quả khi lợi nhuận tăng vọt tới 1.462% lên tới 121 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận tính theo quý cao nhất từ trước đến nay mà doanh nghiệp này đạt được nhờ ghi nhận doanh thu bán đất nền, nhà ở dự án Khu Trung tâm dịch vụ Khu công nghiệp Bàu Xéo.
Kết quả này chính là một trong những lực đẩy khiến EPS bình quân 4 quý của BAX lên tới 18.380 đồng, lọt vào top những doanh nghiệp có EPS khủng nhất thị trường. Cổ phiếu BAX cũng được đẩy lên tới hơn 58.000 đồng/cp trong thời gian gần đây, tăng mạnh hơn 32% tính trong vòng 3 tháng qua.
Dù vậy, cổ phiếu BAX cũng không còn nhiều dư địa để nhà đầu tư “nhảy vào” khi mà cổ đông lớn đã nắm chi phối khá nhiều như Tổng công ty Cao su Đồng Nai với 36,07%, Tổng Công ty Tín Nghĩa nắm 28,98% và cá nhân Quách Trọng Nguyên là 6,47%.
Loat doanh nghiep co EPS ‘khung’, co nen dau tu?-Hinh-2
 
Kế tiếp còn có các doanh nghiệp ghi nhận EPS cao như D2D, LHC và RAL. Song không thể không kể đến Dabaco và HTN khi có một quý 3 mang lại lợi nhuận tăng khủng.
Cụ thể, Tập đoàn Dabaco Việt Nam (HoSE: DBC) đạt lợi nhuận tới gần 387 tỷ đồng, tăng vọt 1.895% so cùng kỳ, tương ứng EPS lên 14.464 đồng.
Từ đầu năm 2020 đến nay, Dabaco luôn làm ăn thuận lợi nhờ giá heo tăng cao, từ đó cổ phiếu DBC cũng đã ghi nhận một con sóng lớn vào giữa năm khi sắp cán mốc 60.000 đồng/cp. Tuy nhiên sức hút dần giảm xuống nên DBC hiện đang ở mốc trên 41.000 đồng/cp, dù khối lượng giao dịch vẫn rất sôi động khi bình quân 3 tháng qua tới hơn 2 triệu đơn vị mỗi phiên.
Hưng Thịnh Incons (HoSE: HTN) cũng nhờ lãi lớn quý 3 với 193 tỷ (tăng vọt 1.224%) nhờ bàn giao một phần dự án chung cư cao tầng mà nâng EPS bình quân lên mức hàng chục ngàn đồng (12.448 đồng) dù trước đó doanh nghiệp này chưa bao giờ đạt mức cao như vậy.
Cổ phiếu HTN cũng đang trong tình trạng leo thang từng ngày lên và hiện đã lên hơn 37.000 đồng/cp, tăng vọt 109% trong vòng 3 tháng qua.
Nói thế để thấy rằng, phần lớn những doanh nghiệp ghi nhận EPS khủng này thì cổ phiếu cũng đã phi lên mức khá cao so với bình quân thị trường, do đó khả năng tăng trưởng sẽ hẹp lại với những nhà đầu tư “xuống tiền” lúc này.
Thay vào đó, nhà đầu tư có thể tìm kiếm những cổ phiếu còn nhiều hấp dẫn so với giá trị nội tại dựa vào chỉ số P/E (thị giá cổ phiếu/EPS luỹ kế 4 quý).
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN