Lizen trúng nhiều dự án lớn, vì sao LCG vẫn lẹt đẹt mệnh giá?

Mặc dù Chứng khoán Vietcap (VCSC) đưa ra nhiều nhận định khả quan với LCG nhưng lại không đánh giá cổ phiếu này.
CTCP Lizen (HOSE: LCG) được thành lập vào năm 2001 với tư cách là một doanh nghiệp Nhà nước tên là Công ty Xây dựng số 16. LCG được niêm yết trên sàn HOSE vào năm 2008 và đổi tên thành CTCP Lizen vào năm 2022.
Các hoạt động kinh doanh chính của LCG bao gồm (1) xây dựng (hạ tầng giao thông, năng lượng, dân cư, và công nghiệp); (2) bất động sản; và (3) đầu tư (năng lượng tái tạo, các dự án hạ tầng theo hình thức Đối tác Công Tư (PPP)). 
Nửa đầu năm đã hoàn thành 45% mục tiêu doanh thu cả năm 2024
Doanh thu thuần của LCG ghi nhận trong nửa đầu năm 2024 đạt 1,1 nghìn tỷ đồng (+50,2% so cùng kỳ), chủ yếu thúc đẩy bởi mảng kinh doanh cốt lõi là xây dựng.
Doanh thu mảng xây dựng 6 tháng đầu năm 2024 đạt 1.064 tỷ đồng, tăng 84,8% so cùng kỳ, do lượng backlog chuyển tiếp từ năm 2023 bước vào giai đoạn cao điểm xây dựng trong nửa đầu năm 2024.
Các dự án chính đóng góp vào doanh thu nửa đầu năm 2024 bao gồm tuyến cao tốc Vân Phong –Nha Trang, cao tốc Vũng Áng – Bùng, và đường Vành đai 4. Công ty không ghi nhận doanh thu từ mảng BĐS trong nửa đầu năm 2024, so với mức doanh thu 22 tỷ đồng được ghi nhận trong nửa đầu năm 2023.
Mặc dù doanh thu tăng 50,2% so cùng kỳ, lợi nhuận gộp chi tăng 28,4% YoY trong nửa đầu năm 2024 vì doanh thu chủ yếu đến từ mảng xây dựng với biên lợi nhuận gộp thấp.
Mảng xây dựng đóng góp 98,4% tổng doanh thu trong nửa đầu năm 2024, so với mức 80% trong nửa đầu năm 2023. Biên lợi nhuận gộp nửa đầu năm 2024 là 10,5%, thấp hơn mức 12,3% ghi nhận trong nửa đầu năm 2023.
Tính đến khoảng thời gian cuối quý 2 năm 2024, LCG đã hoàn thành 45% kế hoạch doanh thu và LNST của năm 2024.
Tổng dư nợ 920 tỷ đồng, tăng 37% so với mức được ghi nhận vào cuối năm 2023
Lizen trung nhieu du an lon, vi sao LCG van let det menh gia?
 Tỷ lệ đòn bẩy của các công ty cùng ngành xây dựng
Tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu đã tăng so với mức ghi nhận vào cuối năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với trung bình các công ty cùng ngành. Tổng dư nợ tính đến quý 2/2024 là 920 tỷ đồng, tăng 37% so với mức được ghi nhận vào cuối năm 2023.
Tuy nhiên, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu vẫn thấp hơn đáng kể so với mức trung bình các công ty cùng ngành do (1) LCG không còn các khoản nợ liên quan đến việc đầu tư vào các dự án BĐS và năng lượng tái tạo; (2) các dự án hạ tầng giao thông của công ty có tiến độ giải ngân vốn nhanh chóng với số dư tạm ứng từ khách hàng đạt mức cao kỷ lục kể từ quý 4/2023, giúp cho LCG ít phụ thuộc vào các khoản vay ngắn hạn để huy động vốn lưu động trong khi chờ các nhà đầu tư giải ngân.
Là một công ty chuyên xây dựng cơ sở hạ tầng, LCG thường nhận được dòng tiền đáng kể từ các khoản tạm ứng của các ban quản lý dự án trong giai đoạn đầu của chu kỳ xây dựng. Tại cuối quý 2 năm 2024, các khoản tạm ứng từ khách hàng của LCG chủ yếu đến từ dự án đường Vành đai 4 (495 tỷ đồng), dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang (244 tỷ đồng), và dự án cao tốc Vũng Áng – Bùng (85 tỷ đồng).
Backlog xây dựng lớn
LCG hiện đang sở hữu lượng backlog 7 nghìn tỷ đồng. Trong đó bao gồm (1) lượng backlog được chuyển tiếp từ năm 2023, với giá trị còn lại là 5,7 nghìn tỷ đồng tính đến cuối năm 2023 và (2) hợp đồng xây dựng mới trị giá 1,4 nghìn tỷ đồng cho dự án BOT cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, được ký kết vào tháng 4/2024.
Theo quan điểm của VCSC, với thời gian hoàn thành dự kiến trong giai đoạn 2025 – 2026, các dự án này sẽ đảm bảo duy trì lợi nhuận của công ty trong 2 năm tới.
Ngoại trừ 2 gói thầu thuộc dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Quốc lộ 1A – Cà Ná hiện đang chậm tiến độ do một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và sự chậm trễ trong việc giải ngân vốn của nhà đầu tư, các dự án khác vẫn đang đáp ứng hoặc vượt mục tiêu tiến độ xây dựng nhờ (1) việc giải phóng mặt bằng diễn ra nhanh chóng và (2) có đủ nguồn cung vật liệu san lấp tại địa phương.
Trong đó, tính đến cuối tháng 6/2024, dự án Vân Phong – Nha Trang đã vượt tiến độ 2% và dự kiến sẽ hoàn tất thi công trước kế hoạch 6 tháng, trở thành dự án đầu tiên hoàn tất thi công trong tổng số 12 dự án thành phần thuộc dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Dự án Vũng Áng – Bùng cũng đã hoàn thành 50% tiến độ xây dựng tính đến cuối tháng 5/2024, vượt tiến độ 0,8%.
Vấn đề thiếu hụt vật liệu xây dựng, vào tháng 11/2023, Quốc hội đã thông qua danh sách 21 dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mà trong đó các nhà thầu được miễn xin giấy phép khai thác khoáng sản đối với các vật liệu xây dựng thông thường, có hiệu lực đến ngày 30/06/2025. Theo Bộ Xây dựng, với cơ chế thí điểm đặc biệt đối với mỏ vật liệu này, toàn bộ thủ tục pháp lý chỉ mất khoảng 1-2 tháng, nhanh hơn nhiều so với quy định hiện hành là 10-12 tháng.
Danh sách 21 dự án này cũng bao gồm 3 dự án của LCG, là các dự án cao tốc Vân Phong – Nha Trang, Vũng Áng – Bùng, và Biên Hòa – Vũng Tàu. Vì LCG không còn phải đối mặt với vấn đề thiếu hụt vật liệu xây dựng như trong năm 2023, VCSC dự báo rằng tiến độ xây dựng các dự án của LCG sẽ được đẩy nhanh trong năm 2024.
LCG kỳ vọng doanh thu năm 2024 chủ yếu sẽ đến từ 4 dự án, bao gồm cao tốc Vân Phong – Nha Trang (850 tỷ đồng), cao tốc Vũng Áng – Bùng (388 tỷ đồng), đường Vành đai 4 (326 tỷ đồng), và cao tốc Tân Phúc – Võng Phan (318 tỷ đồng). Các dự án này dự kiến sẽ chiếm 78,5% kế hoạch doanh thu năm 2024.
VCSC kỳ vọng LCG sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng của 4 dự án này vào năm 2024 vì thời gian hoàn thành dự kiến của các dự án này hầu hết đều rơi vào năm 2025.
Các lợi thế cạnh tranh dự kiến sẽ hỗ trợ công ty thắng thêm thầu trong tương lai: VCSC cho rằng Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công trong trung và dài hạn.
VCSC kỳ vọng giá trị backlog xây dựng của LCG sẽ duy trì ở mức cao ngay cả sau khi đã hoàn thành các dự án trên.
Lizen trung nhieu du an lon, vi sao LCG van let det menh gia?-Hinh-2
 Kết quả kinh doanh của LCG
Tại ĐHCĐ năm 2024 của LCG, ban lãnh đạo đã cho biết rằng công ty hiện đang trong quá trình đấu thầu các dự án xây dựng mới, tuy nhiên các thông tin chi tiết vẫn chưa được công bố. 
Ban lãnh đạo đặt mục tiêu năm 2024 đối với tăng trưởng LNST ở mức khoảng 30% so cùng kỳ. LCG đã đặt mực tiêu doanh thu thuần và LNST năm 2024 lần lượt ở mức 2,4 nghìn tỷ đồng (+19,5% so cùng kỳ) và 131 tỷ đồng (+29% so cùng kỳ). Công ty kỳ vọng mảng xây dựng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng doanh thu chính của công ty trong năm 2024, chiếm 95% mục tiêu doanh thu năm 2024 của công ty.
Theo quan điểm của VCSC, mục tiêu này khả thi vì công ty đã hoàn thành 45% mục tiêu doanh thu và LNST năm 2024 tính đến khoảng thời gian cuối của giai đoạn nửa đầu năm 2024, cùng với việc giải ngân Nhà nước thường sẽ được đẩy mạnh vào cuối năm.
LCG cũng dự kiến sẽ trả cổ tức năm 2024 ở mức 700 đồng/cổ phiếu – tương đương 7% mệnh giá. Công ty hiện vẫn chưa quyết định sẽ trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu.
Tuy nhiên, VCSC cũng lưu ý rủi ro là tiến độ xây dựng bị ảnh hưởng do chậm giải phóng mặt bằng và trì hoãn trong việc giải ngân vốn. Hiện tại, 2 dự án của LCG, dự án cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu và Quốc lộ 1A – Cà Ná, đang bị chậm tiến độ do vấp phải một số vướng mắc trong việc giải phóng mặt bằng và chậm giải ngân vốn của các cơ quan chức năng tại địa phương. Nếu tình hình tiếp diễn, doanh thu mảng xây dựng của LCG có thể sẽ giảm trong năm 2025. Ngoài ra, LCG có thể sẽ cần phải vay thêm vốn lưu động trong lúc chờ các nhà đầu tư giải ngân.
Ngoài ra, biên lợi nhuận gộp giảm do doanh thu chủ yếu tập trung vào mảng xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Theo LCG, các dự án xây dựng hạ tầng giao thông của công ty chủ yếu thông qua hình thức chỉ định thầu, nên LCG buộc phải giảm thêm 5% giá thầu. Phương thức này dẫn đến việc biên lợi nhuận gộp mảng xây dựng hạ tầng giao thông chỉ ở mức thấp là 4-9% trong giai đoạn 2018-2023.
VCSC cho rằng trong ngắn và trung hạn, bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc đầu tư của công ty vào mảng năng lượng tái tạo và kinh doanh BĐS đều có thể khiến tổng biên lợi nhuận gộp của công ty giảm do doanh thu của công ty chủ yếu đến từ mảng xây dựng hạ tầng giao thông.
Cổ phiếu LCG vẫn lẹt đẹt mệnh giá
Mặc dù VCSC đưa ra nhiều nhận định khả quan với LCG nhưng lại không đánh giá cổ phiếu này.
Trong khi đó trên thị trường, đóng cửa phiên ngày 6/9, LCG dừng tại mức 10.850 đồng/cp, ghi nhận giảm tới 17.6% trong vòng 1 năm qua. Thanh khoản khá sôi động khi bình quân hơn 4,8 triệu cổ phiếu được sang tay mỗi phiên.  
Thêm một điều đáng lưu tâm ở LCG là cơ cấu cổ đông phân tán, không có cổ đông tổ chức. 
Lizen trung nhieu du an lon, vi sao LCG van let det menh gia?-Hinh-3
 
Cổ đông lớn nhất của LCG là ông Nguyễn Văn Nghĩa - Thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) của LCG với 5,1% cổ phần. Tiếp theo là ông Bùi Dương Dùng, Chủ tịch LCG với 3% cổ phần tính tại thời điểm cuối quý 2 năm 2024.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN