Trong quý 2, CTF đạt doanh thu thuần gần 1.600 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán tăng 16%, đạt 1.470 tỷ đồng. Khấu trừ doanh thu cho giá vốn, Công ty ghi nhận lãi gộp 119 tỷ đồng, tăng trưởng 43%.
Doanh thu hoạt động tài chính tăng 10%, lên 7,65 tỷ đồng, phần lớn nhờ khoản lãi tiền gửi ngân hàng. Chi phí tài chính giảm còn hơn 10,3 tỷ đồng, trong khi chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 41% và 19%.
Ngoài ra, Công ty không còn lỗ tại công ty liên doanh, liên kết, trong khi cùng kỳ lỗ gần 1,8 tỷ đồng.
Trong kỳ, CTF ghi nhận thêm khoản thu nhập khác tăng lên 9,3 tỷ đồng, phần lớn nhờ lợi nhuận từ khoản thanh lý tài sản cố định, thu hỗ trợ chi phí tổ chức sự kiện, bán hàng từ nhà cung cấp và thu nhập khác.
Kết quả, Công ty đạt lãi ròng 22,5 tỷ đồng, gấp 41 lần cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, CTF đạt doanh thu 2.560 tỷ đồng, tăng 3%. Lợi nhuận sau thuế và lãi ròng đạt lần lượt hơn 38 tỷ đồng và 36 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ.
Theo giải trình từ CTF, việc giảm lệ phí trước bạ 50% trong 6 tháng đầu năm 2022 theo nghị định của Chính phủ đã giúp doanh thu bán hàng được đẩy mạnh, kéo theo lợi nhuận tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Thời điểm cuối tháng 6/2022, tổng tài sản của CTF tăng gần 300 tỷ đồng, lên 1.480 tỷ đồng, phần lớn đến từ mục các khoản phải thu ngắn hạn.
Trong đó, phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng mạnh hơn 116%, chủ yếu do khoản phải thu từ CTCP Tập đoàn Tân Thành Đô (221 tỷ đồng, gấp 4,5 lần cùng kỳ) và thêm mới Công ty TNHH Auto Hoàng Gia Sài Gòn (78.5 tỷ đồng).
Trả trước cho người bán ngắn hạn cũng tăng 70%, lên hơn 275 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho cuối kỳ giảm xuống còn 206 tỷ đồng (36%).
Về nguồn vốn, nợ ngắn hạn tăng 28%, lên gần 1.140 tỷ đồng, chủ yếu là hạng mục phải trả người bán ngắn hạn tăng 37% (lên 190 tỷ đồng) và vay nợ thuê tài chính ngắn hạn (tăng 28%, lên 79 tỷ đồng).