Hành trình Bách Hóa Xanh từ “gà đẻ trứng vàng” đến bán mình tồn tại

Hãng tin Reuters dẫn các nguồn tin cho biết, Công ty CDH Investments (Trung Quốc) đang đàm phán mua từ 5 -10% cổ phần của chuỗi Bách hoá Xanh thuộc Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động.
Theo Reuters , CDH Investments đã vượt qua các đối thủ cạnh tranh và nổi lên như là ứng cử viên hàng đầu trong thương vụ cổ phần của chuỗi Bách hoá Xanh.
Các nguồn tin của Reuters cho biết, thoả thuận bán vốn của Thế giới Di động có thể được ký kết ngay trong tháng 3 năm nay nếu các cuộc đàm phán diễn ra thành công. Nếu đạt được thỏa thuận, định giá của chuỗi Bách Hóa Xanh có thể lên tới 1,7 tỷ USD.
Năm 2022, Thế giới Di động đã từng công bố kế hoạch bán vốn tại chuỗi Bách hoá Xanh nhưng do thị trường không thuận lợi, kế hoạch này đã được tạm ngưng. Vào cuối năm ngoái, kế hoạch này được tái khởi động và thu hút sự quan tâm của Quỹ đầu tư quốc gia Singapore (GIC) cùng với một số công ty tại Thái Lan.
Tại thời điểm ngày 31/12/2023, chuỗi Bách hoá Xanh có tổng cộng gần 1.700 cửa hàng. Cả năm 2023, doanh thu chuỗi siêu thị Bách hóa Xanh cao gấp 1,5 lần doanh thu chuỗi Thế giới Di động và Topzone.
CDH do Chủ tịch Wu Shangzhi đồng sáng lập vào năm 2002 với tư cách là một trong những công ty cổ phần tư nhân sớm nhất của Trung Quốc, nổi tiếng với hoạt động giao dịch trong các ngành truyền thống như tiêu dùng và sản xuất trong những năm đầu.
Hiện CDH đang quản lý tài sản trị giá hơn 27 tỷ USD và là nhà đầu tư lớn vào nhà cung cấp thịt lợn lớn nhất thế giới WH Group và nhà sản xuất thiết bị gia dụng hàng đầu Midea Group.
Hanh trinh Bach Hoa Xanh tu “ga de trung vang” den ban minh ton tai
 Công ty Trung Quốc muốn mua 10% chuỗi bán thực phẩm Bách Hóa Xanh
Ra đời năm 2015, Bách Hóa Xanh được Thế Giới Di Động coi là "con cưng", kỳ vọng mang về doanh thu tỷ USD và dẫn đầu ngành bán lẻ hàng tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, chuỗi này đã liên tục thua lỗ với mức lũy kế lên đến 8.300 tỷ đồng.
Cụ thể, tháng 11/2015, những cửa hàng Bách Hóa Xanh đầu tiên được mở tại quận Bình Tân - nơi có mật độ dân cư cao nhất TP HCM. Ba năm sau, chuỗi này mở rộng lên 238 cửa hàng, nhưng đi kèm là khoản lỗ 556 tỷ đồng, gấp 10 lần so với khoản lỗ năm 2016.
Công ty sau đó bắt tay chuyển đổi mô hình từ truyền thống sang thiết kế "mở" nhằm thúc đẩy tăng doanh số. Diện tích mỗi shop được mở rộng từ 100 m2 lên 450 - 500 m2 để thuận tiện bày trí hàng hóa. Chuỗi cũng tiếp tục nâng số lượng cửa hàng lên 1.500. Tuy nhiên, chiến lược này không giúp bách hóa xanh cải thiện tình hình, ngược lại càng khiến khoản lỗ phình to.
Kết thúc năm 2020, công ty lỗ 1.734 tỷ đồng, tăng hơn 3 lần so với 2018, gấp 31 lần so với 2016. Đây cũng là năm chuỗi bán lẻ này lỗ nặng nhất. Tuy nhiên, công ty vẫn kiên trì với chiến lược mở rộng quy mô khi cuối năm 2022, số cửa hàng tăng lên 2.106 chi nhánh.
Trước những sai lầm, quý II/2022, Bách Hóa Xanh quyết định tái cấu trúc chuỗi. Ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch Hội đồng quản trị Thế Giới Di Động - trở lại tiếp quản trực tiếp Bách Hóa Xanh. Qua thời gian cải tổ, chỉ trong 1 năm, kết quả kinh doanh của Bách Hóa Xanh đã có chuyển biến tích cực.
Tại cuộc họp trực tuyến cập nhật kết quả kinh doanh quý III/2023 của Thế Giới Di Động, ông Nguyễn Đức Tài cho biết tốc độ tăng trưởng doanh thu và lãi gộp đang cải thiện, 2024 Bách Hóa Xanh sẽ đạt điểm hòa vốn. Chuỗi này sẽ tự kiếm tiền trang trải chi phí và tập đoàn sẽ không phải bù lỗ.
Năm 2024, chuỗi bán lẻ này dự kiến doanh thu sẽ tăng trưởng khoảng 20% so với 2023, trong đó cơ cấu các mặt hàng tươi sống chiếm khoảng 40 - 50%. Doanh thu trung bình trên mỗi cửa hàng dự kiến đạt khoảng 2 tỷ đồng.
Nhóm phân tích SSI Research cũng dự báo chuỗi Bách hóa Xanh sẽ đạt 441 tỷ đồng lợi nhuận trong năm 2024 và sẽ tăng trưởng từ năm 2025.
Minh Châu (t/h)

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN