Gặp nhiều thách thức, Bánh kẹo Hữu Nghị đặt kế hoạch 2020 sụt giảm tới 23%

Năm 2020, Thực phẩm Hữu Nghị đặt kế hoạch tổng doanh thu 1.620 tỷ đồng, giảm 12,5% so với năm 2019. Lợi nhuận trước thuế 40 tỷ đồng, giảm mạnh 23% so năm trước. 

Trong khi đó, năm 2019, CTCP Thực phẩm Hữu Nghị (UPCoM: HNF) thực hiện được 1.852 tỷ đồng doanh thu, vượt 3% kế hoạch. Lợi nhuận trước thuế 52 tỷ đồng, vượt 4% và bằng với năm 2018.

Gap nhieu thach thuc, Banh keo Huu Nghi dat ke hoach 2020 sut giam toi 23%
 

Trong năm 2019, Công ty gặp khó khăn trong việc thiếu vốn lưu động nên chủ yếu là đi vay. Từ đó chi phí lãi vay ảnh hưởng đến thu nhập của công ty. 

Ngoài ra, dịch bệnh COVID-19 cũng ảnh hưởng đến công ty; khủng hoạt kinh tế toàn cầu khiến giá nguyên vật liệu đầu vào. 

Đặc biệt, hiện có khoảng 20 doanh nghiệp đối thủ sản xuất tương đối lớn, hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ và một số công ty nhập khẩu đang tham gia thị trường bánh kẹo, trong đó có Mondelez International (Mỹ) mua lại 80% vốn mảng bánh kẹo của Tập đoàn Kinh Đô. 

Hiện Bibica, Hải Hà, Tràng An, Hải Châu, Biscafun, Hanobaco, Vinabico, Phạm Nguyên... ước tính chiếm tới 60-65% thị phần. 

Một số công ty bánh kẹo đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng tham gia vào thị trường như Kraft, Meiji, Orion, Lotte và một loạt chuỗi bánh ăn nhanh như KFC, Lotteria, Tous Les Jours, Jolie Bee... 

Từ năm 2015, bánh kẹo nhập khẩu từ các nước trong khối Asian sẽ được hưởng thuế suất ưu đại 0% do vậy bánh kẹo nhập khẩu tràn ngập thị trường. 

Đó là những áp lực và thách thức rất lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước nói chung và Hữu Nghị nói riêng.

Dù vậy, trong năm nay, Công ty tập trung vào một số nhãn có chất lượng như bánh mì tươi, Tipo, Salsa, Staff, Goldream... Đồng thời đẩy mạnh thị trường phía Nam, xuất khẩu sang Trung Quốc, Thái Lan, Philipine, Lào, Indonesia... 

Thực phẩm Hữu Nghị vừa triển khai phương án phát hành 10 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ lên 300 tỷ đồng.

Mức giá chào bán cho cổ đông là 10.000 đồng/cổ phiếu, tương ứng tổng số tiền cần huy động là 100 tỷ đồng.

Đáng nói, toàn bộ số tiền huy động được từ đợt phát hành này, Thực phẩm Hữu Nghị dùng để chi trả nợ vay ngắn hạn (92,4 tỷ đồng) và bổ sung vốn lưu động phục vụ sản xuất kinh doanh (7,6 tỷ đồng).

Cụ thể là trả nợ vay ngắn hạn cho các ngân hàng như Vietcombank, VPBank, Bangkok Đại chúng, MBBank, Shinhan Bank, ACB, Sinopac Bank. Thời gian chi trả vào quý 4/2019 và quý 1/2020.

Sau khi tăng vốn, hiện CTCP DNA Holding nắm giữ 51% vốn HNF, ngoài ra, ông Trịnh Anh Đức 4,44%, Trịnh Trung Sơn 12,83%, Lê Mai Dịu 16,28%, Nguyễn Thái Dương 10.3%.

Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN