Những số phận dưới mái nhà "ông Bụt"
Những ngày này, cả 3 dãy trọ (12 phòng) của anh Nguyễn Quang Duy kín người ở, nhưng không gian hết sức tĩnh lặng. Người trọ đa phần là những lao động nghèo, phương xa tới, hoặc những cặp vợ chồng trẻ hoàn cảnh khó khăn.
Cô giáo Phạm Thị Thuỳ Hương (30 tuổi, ở Đắk Lắk), hiện là giáo viên hợp đồng dạy tiếng Anh tại một trường THCS trên địa bàn huyện Đắk Hà. Chồng cô Hương là công nhân nhà máy thuỷ điện. Dù rất tiết kiệm nhưng không tháng nào cặp vợ chồng này dư giả bởi họ còn nuôi 2 con nhỏ. Cách đây gần hai năm, cô Hương được bạn bè giới thiệu đến “Nhà trọ tình thương” của ông chủ Duy vừa xây dựng. Phòng trọ sạch sẽ, rộng rãi, đặc biệt giá là “0 đồng”, người tá túc chỉ cần đóng tiền điện và nước.
Ở nhà trọ này, ai cũng biết chị Nguyễn Thị Kiều Oanh (SN 1992, huyện Đắk Hà) đang phải tiết kiệm từng đồng để nuôi anh trai 33 tuổi không may mắc bệnh nan y, hiện được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum. Để chữa bệnh cho anh trai, chị Oanh và gia đình mỗi tuần phải xoay xở đủ 500 nghìn đồng truyền hóa chất.
Anh trai chị Oanh được điều trị ròng rã 3 năm nay. Cách đây một tuần, người vợ bế 2 con trai bỏ đi, để lại anh trai chị Oanh trên giường bệnh. Chị Oanh gánh vác trách nhiệm chăm anh, thường xuyên nhịn cơm, tiết kiệm tiền để chạy chữa cho anh. “Mẹ em mất nhiều năm, gia đình chỉ có 3 bố con. Cũng vì áp lực cuộc sống mà bố em bị tâm thần, mới đây lại bị tai biến mạch máu não. Gia đình không còn gì để bán nữa, em cũng đã vay mượn tiền của tất cả người thân, bạn bè”, Oanh kể.
Hoàn cảnh khác, anh Đặng Văn Lưu (38 tuổi) từ Bình Định lặn lội đến huyện Đắk Hà làm phụ hồ nhiều năm nay. Cuộc sống độc thân rất vất vả nhưng anh Lưu vẫn nhận một bé gái bị bỏ rơi làm con nuôi từ 3 năm trước. Bé gái tên Trần Thị Hồng Nhung (5 tuổi) thường xuyên lên cơn động kinh. Đi làm thuê được đồng nào, anh Lưu dùng hết tiền để chạy chữa cho cô con gái nuôi. Khi biết hoàn cảnh của cha con anh Lưu, ông chủ Duy dành một suất trong “Nhà trọ tình thương”.
Bố con anh Lưu còn được anh Duy cho mượn thêm khoảnh đất phía trước nhà trọ để trồng rau củ. “Trước đây cuộc sống của tôi có lúc bế tắc, lo cho con gái nhiều khi không có tiền để cắt tóc. Từ khi đến ở trọ nhà anh Duy, tôi thấy cuộc sống thật nhiều ý nghĩa.
Không chỉ được ở miễn phí, anh Duy thường xuyên đến tâm sự, khích lệ, hướng dẫn tôi vươn lên trong cuộc sống. Tôi biết thời điểm này dịch COVID-19 hoành hành, anh Duy rất lo cho mọi người trong xóm trọ, nên thường xuyên lui tới cho quà các cháu nhỏ”, anh Lưu xúc động nói.
|
Nhà trọ tình thương |
Nặng ân tình
Chiều tối, anh Duy cùng vợ dạy học cho 2 người con trai kháu khỉnh học tiểu học. Anh Duy chia sẻ, khi còn nhỏ gia đình rất nghèo, bố mẹ tần tảo sớm tối, lo toan từng bữa. Lớn lên, bản thân bôn ba khắp nơi làm thuê kiếm sống, tối về ngủ trong căn nhà trọ nhỏ, ẩm thấp.
Chính những tấm lòng của những người đồng cảnh ngộ tại xóm trọ nghèo đã sưởi ấm Duy lúc đó. Những năm tháng khó khăn đó thôi thúc anh Duy vươn lên. “Cuộc sống khó khăn giúp mình trưởng thành, hiểu giá trị cuộc sống. Mỗi bó rau, ly nước của hàng xóm đúng thời điểm là điều trân trọng nhất, không bao giờ được quên. Tôi sẽ cố gắng làm thêm nhiều phòng trọ, những điều ý nghĩa hơn cho xã hội”, anh Duy nói.
Vợ chồng anh Duy có một quầy bán thuốc tây ở huyện Đắk Hà, ngoài ra anh còn trồng và thu mua cà phê nhân trên địa bàn. Năm 2017, anh Duy và vợ quyết định dùng hết số tiền tích cóp nhiều năm để xây “Nhà trọ tình thương” hơn 3 tỷ đồng gồm 3 dãy (12 phòng, mỗi phòng 36m2) để giúp những hoàn cảnh vất vả hơn mình.
Anh Duy mong muốn “Nhà trọ tình thương” là nơi sẻ chia, yêu thương, giúp đỡ những người lao động hoàn cảnh khó khăn, ở phương xa tới mà chưa có chỗ ở thuận lợi. Anh Duy từ chối chúng tôi chụp ảnh đăng báo với lý do bản thân chưa làm được nhiều điều cho xã hội...
Ông Nguyễn Chí Ánh - Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Hà nhận xét, anh Duy có nhiều đóng góp thiết thực trên địa bàn. Đặc biệt, việc làm nhà tình nghĩa của anh Duy được địa phương và người dân trong vùng rất ủng hộ, hoan nghênh. Mới đây, anh Duy còn đóng góp 500 triệu đồng làm đường giao thông vào các nơi khó khăn trong vùng. Đây là tấm gương sáng trên địa bàn.