Du lịch Quốc tế Vũng Tàu và khoản tiền 38 tỷ khiến kiểm toán từ chối ý kiến

CTCP Du lịch Quốc tế Vũng Tàu (UPCOM: VIR) vừa có giải trình việc từ chối đưa ra ý kiến của kiểm toán viên trên báo cáo tài chính năm 2020. 
VIR nhận quyết định tháng 10/2018 về việc thu hồi tiền nộp vào ngân sách Nhà nước, số tiền phải nộp từ 1/1/2006 đến 31/12/2017 là hơn 34 tỷ đồng và thu hồi tiền thuê các hạng mục hạ tầng kỹ thuật tại Bãi tắm Thuỳ Vân do ngân sách tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đầu tư mà VIR sử dụng là gần 4 tỷ đồng.
VIR cho biết không đồng ý việc thu hồi 2 khoản tiền trên (tổng giá trị 38 tỷ) và đã gửi văn bản giải trình năm 2018 cho Uỷ ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.
Theo VIR, về mặt pháp lý, hiện công ty không có quyết định thuê đất và chưa được ký hợp đồng thuê đất do UBND tỉnh đã có chủ trương khu vực bãi tắm Thuỳ Vân, bãi sau TP Vũng Tàu chỉ cho thuê hạ tầng, không giao hoặc cho đơn vị nào thuê đất.
Về tình hình nộp tiền thuê đất, từ năm 2005-2015, VIR đã thực hiện nộp đầy đủ số tiền thuê đất theo thông báo tạm nộp của cơ quan thuế và không phải điều chỉnh lại số tiền thuê đất đã thông báo (không truy thu hồi tố) theo quy định.
VIR cho rằng việc truy thu số tiền thuê đất hơn 34 tỷ đồng là quá lớn, đã vượt quá khả năng tài chính của công ty (chiếm 42% vốn điều lệ).
Du lich Quoc te Vung Tau va khoan tien 38 ty khien kiem toan tu choi y kien
 
Mặt khác, công ty là CTCP nên hàng năm đã được quyết toán và chia cổ tức nên không thể giải trình được với cổ đông. Công ty nhận bàn giao hạng mục hạ tầng kỹ thuật tại bãi tắm Thuỳ Vân do ngân sách Tỉnh đầu tư theo hình thức chìa khoá trao tay, đưa khu resort vào kinh doanh luôn.
Từ năm 2005 đến nay, công ty không nhận được bất cứ văn bản chỉ đạo nào về việc bàn giao thêm các hạng mục công trình hạ tầng.
Năm 2007, khi công ty thực hiện cổ phần hoá theo chỉ đạo của UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, tại quyết định phê duyệt, giá trị doanh nghiệp cũng không thể hiện số tiền gần 4 tỷ đồng.
Do đó, theo VIR việc truy thu số tiền này là thiếu căn cứ, không có cơ sở để công ty hạch toán vốn, tài sản cố định do phần vốn Nhà nước đã được xác định khi cổ phần hoá năm 2007.
Đến thời điểm hiện tại, VIR cho biết vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi của cơ quan có thẩm quyền liên quan nên không xác định được liệu số tiền thuê đất, thuê các hạng mục hạ tầng kỹ thuật bị thu hồi theo quyết định của Thanh tra tỉnh có được xác định lại hay không và cũng không có cơ sở để ghi nhận trên báo cáo tài chính. Công ty vẫn đang tiếp tục kiến nghị đến các cơ quan chức năng.
VIR cho biết ddây cũng là vấn đề chung của tất cả các công ty đang kinh doanh trên cùng địa bàn bãi tắm Thuỳ Vân. 
Về tình hình kinh doanh, năm 2020 VIR báo lỗ 195 triệu đồng, trong khi các năm trước đều có lãi khoảng 9 tỷ đồng/năm.
Hiện cổ đông lớn của VIR chính là CTCP Dịch vụ Du lịch Quốc tế tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (41,38%), ông Lữ Quốc Khánh (24,99%), ông Nguyễn Thanh Giao (19,1%) và Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (3,74%).
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN