DRC: Chi phí đầu vào đắt đỏ ngăn cản đà tăng trưởng lợi nhuận

VDSC dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 của DRC sẽ tăng trưởng với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 5.233 tỷ đồng (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước) và 331 tỷ đồng (tăng 7,4%).
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết quý 4/2022, DRC đạt 1.114 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2021 do sụt giảm tăng trưởng doanh thu ở cả kênh nội địa và xuất khẩu.
Tại kênh nội địa, dù Việt Nam đã kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 vào cuối năm 2021 nhưng trước áp lực lạm phát gia tăng, nhu cầu lốp xe năm 2022 vẫn yếu, chủ yếu phục vụ mục đích thay thế.
Trong khi đó, hiệu ứng nền kết quả kinh doanh quý 4/2021 lại ở mức cao do quý này DRC được hưởng lợi từ nhu cầu bị dồn nén sau thời phong tỏa do Covid-19.
Mặc dù tăng trưởng âm trong quý 4 nhưng nhờ kết quả kinh doanh tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm, DRC đã có kết quả kinh doanh năm 2022 khả quan với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 4.899 tỷ đồng (tăng 12% so với cùng kỳ năm trước) và 308 tỷ đồng (tăng 6%).
Động lực tăng trưởng chính là tăng trưởng doanh thu xuất khẩu hai chữ số ở mức cao (tăng 25% so với cùng kỳ năm trước), chủ yếu được hỗ trợ bởi thị trường Brazil và Mỹ.
Về lợi nhuận, tỷ lệ tăng trưởng thấp hơn doanh thu là do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng, dẫn đầu là than đá, cao su tổng hợp và cao su thiên nhiên theo thứ tự tăng trưởng từ lớn nhất đến nhỏ nhất.
DRC: Chi phi dau vao dat do ngan can da tang truong loi nhuan
 Chỉ số tài chính của DRC trong năm qua.
Chi phí đầu vào đắt đỏ vẫn là trở ngại kinh doanh của DRC
Trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu đắt đỏ và nhu cầu tiêu thụ lốp xe tại thị trường trong nước yếu, VDSC dự phóng kết quả kinh doanh năm 2023 của DRC sẽ tăng trưởng một con số, với doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 5.233 tỷ đồng (tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước) và 331 tỷ đồng (tăng 7,4%).
Mức tăng trưởng trên được hỗ trợ bởi tốc độ tăng trưởng từ kênh xuất khẩu. Bên cạnh mức tăng trưởng ổn định tại Brazil, DRC có kế hoạch đẩy mạnh bán hàng tại Mỹ – thị trường tăng trưởng tiềm năng mà DRC nhắm đến trong dài hạn.
Trong quý 2/2023, công ty sẽ nâng công suất thiết kế của nhà máy Radial lên 750.000 lốp/năm từ mức 600.000 lốp/năm của hiện tại. Năng lực sản xuất cao hơn sẽ giúp công ty sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng từ xuất khẩu.
Về chi phí nguyên vật liệu, báo cáo cho rằng DRC sẽ chưa thể tận hưởng hoàn toàn sự phục hồi từ việc cải thiện chi phí vào năm 2023 do giá cao su tổng hợp và than được dự báo sẽ duy trì ở mức tương đương so với năm 2022.
Vì chỉ có giá cao su thiên nhiên được dự báo sẽ giảm vào năm 2023, biên lợi nhuận gộp năm 2023 của DRC có thể sẽ chỉ cải thiện nhẹ lên 17,1% từ mức 16,6% vào năm 2022.
Vào tháng 1/2022, dự án mở rộng nhà máy sản xuất lốp xe tải Radial do DRC làm chủ đầu tư được phê duyệt với mục đích mở rộng sản xuất, tăng doanh thu và lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Đây là dự án đầu tư xây dựng công trình hóa chất nhóm B nằm trong kế hoạch đầu tư 5 năm (2021-2025) của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam.
Dự án được khởi công vào tháng 6/2022. Sau khi hoàn thành, công suất hoạt động của nhà máy sẽ đạt 1 triệu lốp/năm.
Theo DRC, dự án có tổng mức đầu tư là 916 tỷ đồng và tổng diện tích đất sử dụng là 109.632 m2. Nguồn vốn thực hiện cho dự án này bao gồm 2 nguồn: vốn tự có của doanh nghiệp với 318,3 tỷ đồng; vốn vay 597,7 tỷ đồng.
Tháng 12/2022 vừa qua, HĐQT của DRC đã thông báo về việc chấp thuận việc huy động vốn tại các tổ chức tín dụng, quỹ tài chính để thực hiện dự án nâng công suất nhà máy sản xuất lốp xe tải radial với tối đa vốn vay là 597,7 tỷ đồng.
Hà Thảo

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN