DPM kỳ vọng hoạt động kinh doanh 6 tháng cuối 2023 và 2024 sẽ tươi sáng hơn

DPM cho rằng lợi nhuận trong quý 2/2023 đã tạo đáy. Nhiều khả năng KQKD trong quý 3 và quý 4 sẽ cải thiện rõ rệt.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSEC) vừa có báo cáo sau khi thăm Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (HoSE: DPM).
Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 bị các yếu tố tiêu cực tác động đồng thời
Sản lượng sản xuất Urea 6 tháng đầu năm 2023 đạt 385,6 ngàn tấn, giảm 16% so cùng kỳ, chủ yếu do bảo dưỡng nhà máy định kỳ 26 ngày. Sản lượng bán hàng đạt 480,4 nghìn tấn, tăng 6,5% so cùng kỳ, chủ yếu do giá Urea giảm sâu, giúp kích thích tiêu thụ.
Sản lượng sản xuất và kinh doanh NPK 6 tháng đầu năm 2023 giảm lần lượt 35% và 8.7% so cùng kỳ do tính chất thị trường thay đổi so với cùng kỳ. Tiêu thụ phân phức hợp NPK trong 6 tháng đầu năm 2022 tăng đột biến do giá hấp dẫn hơn phân đơn Urea. Đến 6 tháng 2023, giá Urea giảm sâu 41% so cùng kỳ trong khi NPK chỉ giảm 13% so cùng kỳ, ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng bán hàng của mảng NPK.
Về tình hình xuất khẩu, năm 2022, DPM đẩy mạnh xuất khẩu do giá thế giới thuận lợi hơn nội địa. Tới 6 tháng 2023 ngược lại, giá Urea quốc tế chạm đáy và thấp hơn đáng kể so với trong nước. Sản lượng xuất khẩu trong 6 tháng 2023 chỉ đạt 65 nghìn tấn (giảm 65,7% so cùng kỳ).
Biên lợi nhuận gộp mảng Urea giảm mạnh trong 6 tháng 2023, còn khoảng 21% so với mức trên 40% cùng kỳ năm 2022 do đơn giá khí đầu vào tăng trong khi giá bán giảm mạnh. Trong nửa đầu năm 2023, nhu cầu điện khí tăng cao, khiến PVGAS bắt buộc phải ưu tiên phân bổ khí cho các nhà máy điện. Trong khi đó, DPM phải nhận phần lớn khí từ bể Cửu Long thay vì từ các bể Nam Côn Sơn, Bạch Hổ, Rồng Đồi Mồi như trong quá khứ. Lưu ý rằng khí tại bể Cửu Long có giá miệng giếng và giá cước vận chuyển đắt gấp lần lượt 1,5 lần và 2,5 lần so với trung bình giá của 3 bể nêu trên.
DPM ky vong hoat dong kinh doanh 6 thang cuoi 2023 va 2024 se tuoi sang hon
 
Kỳ vọng hoạt động kinh doanh trong 6 tháng cuối 2023 và 2024 sẽ tươi sáng hơn
DPM cho rằng lợi nhuận trong quý 2/2023 đã tạo đáy. Nhiều khả năng KQKD trong quý 3 và quý 4 sẽ cải thiện rõ rệt.
Trong tháng 7, giá Urea đã tăng đột biến. Thị trường thế giới có nhiều diễn biến tích cực. Nhìn chung nguồn cung trên các thị trường đang bị siết chặt. Tại khu vực Đông Nam Á, một số nhà máy tại Malaysia, Indonesia và Brunei giảm công suất vì nhiều lý do khác nhau, khiến lượng hàng xuất khẩu nhỏ giọt. Phía Ai cập cắt sản lượng mạnh do thiếu hụt nguồn khí tự nhiên. Khu vực Algeria, Trung Á, Bắc Phi cũng có chung tình trạng như Ai Cập. Khu vực Biển Đen cũng trở nên căng thẳng sau khi thỏa thuận hành lang ngũ cốc chấm dứt.
Trong khi đó, nhu cầu tại các thị trường chủ lực là Ấn Độ và Brazil lại đang tăng mạnh. Quý 3 thường không phải giai đoạn cao điểm nhưng các quốc gia vẫn đang phải đẩy mạnh thu mua do lo ngại giá Urea sẽ tiếp tục tăng cao.
Giá Urea nội địa đã kịp tăng từ trung bình 9.000 đồng trong quý 2 lên mức 10.000-10.500 đồng vào đầu tháng 8. DPM kỳ vọng giá Urea sẽ dẫn dắt giá NPK, NH3. Tuy nhiên, không loại trừ khả năng yếu tố nguồn cung thắt chặt trên thị trường chỉ mang tính ngắn hạn và giá Urea có thể sẽ điều chỉnh.
DPM cho biết đã tiêu thụ hết phần tồn kho giá cao trong 6 tháng đầu năm 2023. DPM sẽ giảm thiểu áp lực trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trong 6 tháng cuối năm 2023.
Công ty kỳ vọng biên lợi nhuận gộp trong 6 tháng cuối năm sẽ cải thiện đáng kể. Theo hợp đồng khí năm 2023, PVN đồng ý cho DPM lấy tối đa 30% lượng khí đầu vào từ Bạch Hổ, Rồng Đồi Mồi. Đến thời điểm hiện tại, DPM hầu như chưa được lấy khí từ những mỏ này. Hơn nữa, vấn đề thiếu hụt điện phần nào đó cũng đã được giải quyết. DPM kỳ vọng nguồn khí trong thời gian tới sẽ có giá hấp dẫn hơn. Tuy nhiên về dài hạn, mỏ Bạch Hổ sẽ suy giảm với tốc độ nhanh, nên DPM chỉ có thể kỳ vọng nhận được tỷ trọng khí lớn hơn từ bể Nam Côn Sơn.
DPM cho biết công suất tối đa của các nhà máy phân bón tại Việt Nam đang vào khoảng 2,6 triệu tấn/năm, trong khi cầu ở mức khoảng 2,2 triệu tấn/năm. Mảng Urea của DPM vẫn chạy vượt công suất và dự kiến DPM không có nhu cầu tăng công suất nhà máy do cung nội địa đã vượt cầu.
Về dài hạn, DPM có định hướng sẽ đẩy mạnh mảng xuất khẩu hơn. Tuy nhiên, DPM sẽ phải đánh giá tương quan mức giá giữa thị trường quốc tế và nội địa để đưa ra tỷ trọng hợp lý.
Trong các năm qua, thị phần phân Urea nhập khẩu đang khá lớn. Tuy nhiên, DPM đánh giá trong ngắn hạn nguồn cung trên thế giới đang thắt chặt nên yếu tố phân nhập khẩu sẽ không đáng ngại.
Tình hình cạnh tranh NPK ở nội địa vẫn đang gay gắt do ít rào cản về kĩ thuật sản xuất. Hiện tại nhà máy NPK của DPM đang đạt hiệu suất khoảng 60-70% công suất thiết kế nhưng công ty chưa có nhu cầu tăng hiệu suất do thị trường không thuận lợi.
DPM cho biết các sản phẩm hóa chất tiềm năng (Melamine, H2O2, Soda Ash) đang có giá biến động khá mạnh. Mấu chốt của các dự án hóa chất mới này là tìm đối tác để hỗ trợ công nghệ và đảm bảo đầu ra. DPM sẽ không gặp vấn đề về thu xếp vốn.
DPM cũng cập nhật tiến độ các dự án tiềm năng như H2O2 thay đổi phương án đối tác, theo đó Vinachem sẽ chỉ phối hợp bán hàng chứ không tham gia góp vốn. Thị trường dự kiến tập trung ở nội địa.
Với dự án Melamine và Soda Ash, đã hoàn thành FS và đang trình xin PVN. DPM đang xúc tiến tìm đối tác đầu tư và phân phối. Thị trường dự kiến sẽ là xuất khẩu.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN