KPF bị cưỡng chế gần 11 tỷ đồng do nợ tiền thuế quá 90 ngày

KPF bị cưỡng chế hơn 10,8 tỷ đồng vì có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. 
CTCP Đầu tư Tài sản Koji (HoSE: KPF) vừa nhận được loạt quyết định từ Cục Thuế TPHCM về việc cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản ngân hàng.
Theo đó, tổng số tiền KPF bị cưỡng chế là hơn 10,8 tỷ đồng. Lý do KPF bị cưỡng chế vì có tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế theo quy định. 
Trong khi đó, tình hình kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 của KPF ghi nhận lợi nhuận sau thuế lao dốc 60,5% so cùng kỳ, về còn 18,5 tỷ đồng.
Theo KPF, 6 tháng đầu năm công ty có nguồn thu từ hoạt động đầu tư tài chính vào các công ty con và có ghi nhận doanh thu từ chuyển nhượng cổ phần tại Công ty TTC Deluxe Sài Gòn.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, KPF đã trích lập dự phòng rủi ro khoản đầu tư vốn vào công ty liên kết. Do đó, chỉ tiêu về lợi nhuận bán niên năm 2023 giảm đáng kể với cùng kỳ năm trước. 
KPF bi cuong che gan 11 ty dong do no tien thue qua 90 ngay
 
KPF vừa bổ nhiệm ông Nguyễn Khánh Toàn (sinh năm 1979) giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật thay thế cho ông Hoàng Văn Hậu từ ngày 8/8.
Cùng thời điểm thay đổi Chủ tịch, HĐQT KPF cũng thông qua phương án phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn điều lệ.
Theo đó, KPF sẽ chào bán hơn 9,7 triệu cổ phiếu ra công chúng cho cổ đông hiện hữu theo phương thức thực hiện quyền, tổng giá trị theo mệnh giá gần 97,4 tỷ đồng. Tương ứng tỷ lệ phát hành là 16%, giá chào bán 10.000 đồng/cp.
Thời gian phát hành dự kiến được thực hiện trong giai đoạn 2023-2024 sau khi được Ủy bạn Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Về phương án sử dụng vốn, toàn bộ số tiền thu được dùng để bổ sung vốn thực hiện cho các hoạt động giao dịch liên quan đến hợp tác đầu tư kinh doanh, khai thác, chế biến khoáng sản cao lanh với Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Phước Lộc Thọ bao gồm nhưng không giới hạn việc bổ sung vốn lưu động cho Công ty. Nguồn vốn có thể được luân chuyển linh động để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn của Công ty trong từng thời kỳ.
Dự kiến sau khi hoàn tất đợt chào bán, vốn điều lệ Công ty tăng từ gần 609 tỷ đồng lên hơn 706 tỷ đồng.
KPF cũng vừa quyết định nhận chuyển nhượng trái phiếu của trái chủ tại các tổ chức phát hành là Công ty TNHH Đầu tư Phúc Hậu (PHI), Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm (CLA) và CTCP Đầu tư Nông nghiệp sạch Phú Sơn (PAI).
Cụ thể, KPF sẽ nhận chuyển nhượng tối đa gần 83.500 trái phiếu của 3 mã PHICH2124001, CLACH2124003 và PAICH2124001. Cũng cần lưu ý,  KPF hiện đang là trái chủ của PHICH2124001 và PAICH2124001. 
Với mệnh giá mỗi trái phiếu là 10 triệu đồng, ước tính tổng giá trị chuyển nhương là 834,6 tỷ đồng. Tỷ lệ nhận chuyển nhượng dự kiến 100%. 
Đây là các trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo. Trong đó, dự án khu dân cư sinh thái Vườn Tài, đang là tài sản đảm bảo cho gói trái phiếu PHICH2124001 của PHI; các biệt thự khu du lịch sinh thái Prime – Prime Resort and Hotels đang là tài sản đảm bảo của gói trái phiếu CLACH2124003 của CLA đồng thời cũng là tài sản đảm bảo cho gói trái phiếu PAICH2124001 của PAI.
Thời gian thực hiện dự kiến từ quý 3 – quý 4/2023. Sẽ được thực hiện ngay sau khi có sự chấp thuận của ĐHĐCĐ bất thường 2023 và được thực hiện theo phương thức tự thỏa thuận giữa các bên gồm KPF, trái chủ và tổ chức phát hành.
Mục đích nhận chuyển nhượng là nhằm xử lý các tài sản đảm bảo trái phiếu thông qua việc giải chấp tài sản đảm bảo trái phiếu PHICH2124001, CLACH2124003 và PAICH2124001 và chuyển nhượng tài sản đảm bảo trên cơ sở được sự chấp thuận của trái chủ.
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN