DLG: Không nên duyên với mảng bất động sản
Tập đoàn Đức Long Gia Lai (DLG) được thành lập vào tháng 9/1995, tiền thân là Xí nghiệp Tự doanh Đức Long. Ban đầu, cũng như nhiều doanh nghiệp cùng thời, mảng kinh doanh chính của doanh nghiệp này tập trung vào gỗ và khoáng sản, với lợi thế sẵn có về nguyên liệu, cùng điều kiện tự nhiên phù hợp tại vùng Tây Nguyên.
Sau khi chuyển sang mô hình công ty cổ phần, DLG rẽ hướng sang một loạt lĩnh vực mới thông qua hệ thống các công ty con, từ đầu tư thủy điện, trồng cao su, buôn bán linh kiện điện tử, cho tới kinh doanh bất động sản.
Trong quá khứ, có những thời điểm lĩnh vực bất động sản này trở thành hy vọng lớn, là đòn bẩy mạnh cho DLG. Tuy nhiên, quá trình triển khai lại gặp không ít biến cố. Vạn Gia Long có thể là cái tên gợi nhớ đến biến cố tại loạt dự án bất động sản liên quan đến Đức Long Gia Lai.
Giữa năm 2016, CTCP Đầu tư và Kinh doanh Bất động sản Đức Long Gia Lai (công ty con của DLG) đã ký hợp đồng đầu tư (thời hạn 3 năm), góp vốn cùng Vạn Gia Long thực hiện dự án Căn hộ cao cấp Sunshine Apartment tại Quận 7, TP HCM.
Dự án này do Vạn Gia Long làm chủ đầu tư, sau được biết tới với các tên gọi Dragon Court hay phổ biến hơn là Đức Long Golden Land. Đến cuối quý 2/2020, DLG vẫn ghi nhận khoản phải thu 300 tỷ đồng với Vạn Gia Long để triển khai dự án này.
Tuy nhiên, Thanh tra TP HCM từng xác định nhiều sai phạm, liên quan đến việc bồi thường, chủ đầu tư kinh doanh chưa đủ điều kiện, đặc biệt với nội dung phần đất công tại dự án "biến mất", chuyển nhượng gây thất thoát cho Nhà nước. Cuối năm 2018, Phó chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến đã yêu cầu xử lý các sai phạm tại dự án Đức Long Golden Land.
Không chỉ Đức Long Golden Land, DLG còn vướng nhiều vấn đề tại một số dự án bất động sản khác như Đức Long Newland hay Western Park.
Việc chuyển hướng đầu tư giúp doanh thu và lợi nhuận của DLG gia tăng theo cấp số nhân, nhưng mở rộng quá nhanh cũng khiến cấu trúc tài chính của công ty này trở nên yếu hơn, khi dựa nhiều vào đòn bẩy tài chính.
Đầu năm 2020, DLG đặt mục tiêu doanh thu 2.500 tỷ và lợi nhuận 80 tỷ đồng, con số tương đương với giai đoạn đỉnh cao cách đây hơn 5 năm. Tham vọng lớn là vậy, nhưng số liệu tài chính của DLG đang cho thấy một bức tranh hoàn toàn trái ngược.
Năm 2020, DLG ghi nhận lỗ 906 tỷ đồng sau kiểm toán, tăng thêm 12 tỷ đồng so báo cáo tự lập. Điều này nâng lỗ luỹ kế ghi nhận gần 866 tỷ đồng.
Ngoài ra, khối nợ của doanh nghiệp từng lừng lẫy phố núi khá khủng, tại ngày 31/12/2020, DLG ghi nhận 1.380 tỷ đồng vay nợ ngắn hạn và 2.586 tỷ đồng dài hạn, tức tổng nợ vay tài chính là 3.966 tỷ đồng.
Trong BCTC 2020 kiểm toán, kiểm toán viên chỉ ra rằng DLG chưa thanh toán hầu hết các khoản đi vay đã quá hạn trả cho các ngân hàng và trái chủ; tổng nợ phải trả ngắn hạn đã vượt giá trị tài sản ngắn hạn. Cụ thể, tổng nợ ngắn hạn của DLG là 3.034 tỷ đồng, còn tài sản ngắn hạn chỉ 2.611 tỷ đồng.
Vì các yếu tố trên, đơn vị kiểm toán cho rằng có sự tồn tại của yếu tố không chắc chặn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
|
Giờ đây, Bầu Đức đang cơ cấu lại khoản nợ tại HAGL. |
Bầu Đức bán con trả nợ...
Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HAG) của bầu Đức cũng ngập lặn nhiều trong các khoản nợ hơn nghìn tỷ đồng.
Tính đến hết tháng 12/2020, nợ phải trả tăng thêm 5.400 tỷ đồng, tương ứng tăng 25% so với cuối năm 2019. Riêng các khoản vay ngân hàng và trái phiếu ngân hàng tính đến thời điểm 31/12/2020 là 17.102 tỷ đồng.
Chủ nợ lớn nhất của HAGL là BIDV với 1.235 tỷ đồng gồm cả các khoản vay có kỳ hạn và 5.876 tỷ đồng trái phiếu do BIDV là trái chủ.
Tài sản của công ty được hình thành từ khối nợ khổng lồ. Dòng tiền của HAGL trong hoạt động kinh doanh và đầu tư hao hụt đến mức âm hàng nghìn tỷ đồng.
Mặc dù ngập trong nợ nần, nhưng HAGL cũng cho các công ty con, công ty liên quan vay tín chấp 5.952 tỷ đồng, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng không xác định thu hồi vốn, thậm chí cho chính phủ Lào vay đầu tư xây dựng sân bay Attapeu mà không tính lãi.
Công nợ phải thu của HAGL trong năm 2020 tăng 5.222 tỷ đồng lên 7.673 tỷ đồng. Trong đó, khoản phải thu 2.615 tỷ đồng là do công ty thanh lý tài sản cố định, bán chịu nay chưa thu được vốn. Cho vay ngắn hạn tới 4.186 tỷ đồng.
Hầu hết các khoản cho vay, công nợ phải đòi của HAGL đều không chắc chắn, khả năng thu hồi khá thấp. Do đó, HAGL đã trích lập 1.330 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho các khoản cho vay ngắn hạn và 1.190 tỷ đồng dự phòng rủi ro cho các khoản vay dài hạn.
Trong BCTC kiểm toán 2020, kết thúc năm 2020, HAGL phát sinh khoản lỗ thuần hơn 2.380 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nợ ngắn hạn tại thời điểm lập BCTC của HAGL đã vượt quá tài sản ngắn hạn hơn 1.000 tỷ đồng, trong khi một số khoản vay ngắn hạn đã bị trễ hạn thanh toán.
Những nguyên nhân này đã khiến kiểm toán nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục của HAGL.
Trước tình cảnh nợ nần, ông Đức cũng từng bộc bạch với cổ đông không loại trừ khả năng HAGL sẽ tiếp tục thoái vốn ở công ty nông nghiệp để có nguồn lực tài chính giải quyết các khó khăn của tập đoàn này.
Tại HAGL, chiến lược những năm tiếp theo sẽ lấy mục tiêu hàng đầu là trả hết nợ vay, sau đó mới phát triển kinh doanh
Còn nhớ trong tháng 2/2021, HAGL cùng ông Đoàn Nguyên Đức đồng loạt đăng ký thoái vốn tại HAGL Agrico để cơ cấu nợ ngân hàng thông qua phương thức thoả thuận.
Đối tác mua lại nhiều khả năng đó là nhóm Thaco của tỷ phú Trần Bá Dương, tại Đại hội bất thường HAGL Agrico mới đây, ông Đức đã trao quyền cho tỷ phú Dương để dẫn dát công ty nông nghiệp này đi theo ngã rẽ khác.