Tính đến ngày 3/11, toàn thị trường ghi nhận 21 đơn vị có lãi quý 3/2022 trên 1.000 tỷ đồng, trong đó nổi trội nhất chính là Vinhome (VHM) với mức khủng tới 14.494 tỷ đồng, tăng gần 30% so cùng kỳ. Đây là mức lãi lớn nhất từ trước tới nay tính theo quý của Vinhome.
Tổng doanh thu thuần hợp nhất ghi nhận trong quý 3/2022 của Vinhome là 17,805 tỷ đồng, chủ yếu nhờ bắt đầu bàn giao 1,300 căn bất động sản thấp tầng tại đại dự án Vinhomes Ocean Park 2 - The Empire.
Còn tổng doanh thu thuần hợp nhất quy đổi, bao gồm doanh thu từ các hoạt động của Vinhomes, các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) và chuyển nhượng bất động sản được ghi nhận vào thu nhập tài chính lên tới 30,719 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
|
Top 10 doanh nghiệp lãi lớn nhất quý 3/2022 |
Do đó, tổng lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vinhome đạt 18,949 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất sau thuế của công ty mẹ đạt 14,494 tỷ đồng, tăng tương ứng 37% và 30% so với cùng kỳ. Thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong quý 3/2022 đạt 3,329 đồng.
Chiếu dưới cách khá xa là Vietcombank (VCB) với 6.065 tỷ đồng lãi ròng trong quý 3/2022, tăng 32% so cùng kỳ. Sở dĩ Vietcombank đạt kết quả cao trong kỳ nhờ thu nhập lãi thuần tăng 31% khi đạt 13,664 tỷ đồng.
Do đó mặc dù Vietcombank trích hơn 2,778 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, tăng 11% song lợi nhuận sau thuế vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, xét về 9 tháng, Vietcombank lại vượt lên cả Vinhome với mức lãi 19.964 tỷ đồng, còn Vinhome theo sát nút khi đạt 19.543 tỷ đồng.
Ngoài ra, ở mức lãi hàng chục tỷ đồng trong 9 tháng 2022 còn có những cái tên quen thuộc như Techcombank (16.603 tỷ đồng), VPBank (15.910 tỷ đồng), BIDV (14.065 tỷ đồng), MBB (14.049 tỷ đồng)...
|
Top 10 doanh nghiệp lãi lớn nhất 9 tháng 2022 |
Ở chiều ngược lại, thị trường cũng ghi nhận những con số bi quan trong quý 3/2022 khi nhiều doanh nghiệp thua lỗ hàng trăm tới hàng nghìn tỷ đồng.
Vietnam Airlines (HVN) là doanh nghiệp đứng đầu danh sách thua lỗ nặng trong quý 3/2022 lên tới 2.623 tỷ đồng, tuy nhiên so với cùng kỳ thì HVN đã bớt lỗ gần 700 tỷ đồng.
Mặc dù quý 3 Vietnam Airlines đã có lãi gộp 165 tỷ đồng song do các khoản chi phí tăng mạnh, đặc biệt là lỗ chênh lệch tỷ giá khiến hãng bay này chưa thể có lãi.
Chính mức thua lỗ trong quý 3 đã nâng lỗ luỹ kế của Vietnam Airlines lên tới 31,5 ngàn tỷ đồng, khiến vốn âm 7,5 ngàn tỷ đồng và cổ phiếu HVN đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết.
|
Top những doanh nghiệp thua lỗ hàng trăm tỷ đồng trong quý 3/2022 |
Hòa Phát (HPG) là đơn vị gây sốc nhất trong thời gian qua khi lần đầu báo lỗ 1.774 tỷ đồng sau 13 năm, nguyên nhân do nhu cầu yếu ở cả trong và ngoài nước, giá than (nguyên vật liệu) gấp 3 lần so với bình thường, tín dụng bị thắt chặt, trong khi tỷ giá và lãi suất tăng mạnh.
Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh thu của đại gia ngành thép đi lùi, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 8% so với quý trước đó. Dù vậy, nhờ các quý trước có lãi khả quan nên tính chung 9 tháng HPG vẫn ghi lãi 10.475 tỷ đồng.
Trong danh sách thua lỗ hàng trăm tỷ đồng quý 3/2022 có xuất hiện một nhà băng là Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB, HNX: NVB) với con số gần 200 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng, NCB vẫn gánh lỗ tới 181 tỷ đồng.
Theo lý giải từ NCB, lợi nhuận giảm do Ngân hàng thực hiện thoái lãi, ngừng dự thu và trích lập dự phòng đối với các khoản nợ quá hạn, nợ xấu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, thực hiện trích lập dự phòng theo Phương án cơ cấu lại, đồng thời Ngân hàng tiếp tục áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất cho các khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Cũng cần lưu ý, nợ xấu cũng là bức tranh tối màu của NCB tại thời điểm cuối tháng 9/2022 khi lên tới 6.648 tỷ đồng, gấp 5.3 lần đầu kỳ, tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng vọt từ mức 3% lên 14.72%.