Cụ thể, ngày 12/10, DLG đã nhận được Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai do công ty có phát sinh khoản nợ CTCP Lilama 45.3.
Theo Bản án của Tòa ngày 15/3, DLG phải trả cho Lilama 45.3 khoản nợ gốc là 14,76 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán hơn 2,36 tỷ đồng. DLG cho biết công ty đã rất thiện chí, bằng mọi biện pháp thương thảo với Lilama 45.3 nhằm thanh toán nợ theo biên bản thi hành án.
Hiện nay DLG đã và đang thực hiện việc trả nợ dần cho Lilama 45.3 nhưng do tài khoản của Lilama 45.3 bị phong toả, nên nhiều lần DLG chuyển tiền đều bị chặn. Vào ngày 12/10, DLG mới chuyển trả được cho Lilama 45.3 số tiền 100 triệu đồng.
DLG đưa ra nguyên nhân đề nghị xem xét lại quyết định mở thủ tục phá sản rằng, trong quá trình thụ lý đơn đề nghị mở thủ tục phá sản của Lilama 45.3, DLG chưa được Thẩm phán thụ lý mời làm việc cụ thể để xác định DLG có bị mất khả năng thanh toán không.
Đồng thời Tòa án chưa tổ chức cuộc họp để các bên đối thoại, thương thảo việc trả nợ và xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp mất khả năng thanh toán theo quy định.
Vì vậy, DLG khẳng định công ty không mất khả năng thanh toán và việc Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai ban hành quyết định mở tủ tục phá sản ngày 9/10 là không đúng theo quy định.
Trước đó, DLG cho biết Công ty gặp khó khăn tài chính tạm thời do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ năm 2020-2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga-Ukraine kéo dài chưa hồi kết. Trong nước, chính sách tiền tệ thắt chặt, lãi suất ngân hàng tăng cao, việc tiếp cận vốn khó khăn.
Bên cạnh đó, DLG khẳng định Công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng; nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.
Khoản nợ của L43 rất nhỏ, chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của Công ty, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán. Do đó, Công ty không thuộc đối tượng phải áp dụng Luật Phá sản.