Chứng khoán MBS (HNX: MBS) công bố báo cáo tài chính quý 3/2023 với tổng doanh thu gần 541 tỷ đồng, tăng khá 25% so cùng kỳ 2022.
Trong cơ cấu doanh thu, hoạt động môi giới chứng khoán đóng góp lớn nhất với 214 tỷ đồng (tăng 42%), tiếp đến là lãi từ các khoản cho vay và phải thu 185 tỷ đồng (xấp xỉ cùng kỳ), lãi từ các tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) tăng vọt gấp 107 lần lên 42 tỷ đồng, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi lỗ (FVTPL) lại giảm 19% về mức 26 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế đạt 166 tỷ đồng, cũng ghi nhận mức tăng 37% so cùng kỳ.
|
Kết quả kinh doanh quý 3/2023 của MBS |
Theo MBS, quý 3/2023, giá trị giao dịch chứng khoán toàn thị trường tăng mạnh so với quý 3/2022 làm cho doanh thu môi giới chứng khoán tăng tương ứng gần 62 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh thu lãi từ các công cụ thị trường tiền tệ cũng tăng 22 tỷ đồng làm cho tổng doanh thu quý 3 tăng khá. Trong khi tốc độ tăng chi phí thấp hơn khi chỉ gần 20% với 374 tỷ đồng nên lợi nhuận của công ty tăng mạnh.
Tuy nhiên, lũy kế 9 tháng, doanh thu của MBS lại giảm 18% so cùng kỳ, về mức 1.276 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế theo đó cũng suy giảm 7% khi đạt 411 tỷ đồng.
Tại thời điểm cuối tháng 9/2023, tổng tài sản của MBS tăng hơn 1.760 tỷ lên 12.405 tỷ đồng. Trong đó các khoản cho vay (margin) tăng vọt gấp 1,7 lần lên 6.541 tỷ đồng (tức tăng gần 2.800 tỷ); Các tài sản tài chính ghi nhận qua lãi lỗ (FVTPL) giảm phân nửa xuống 1.137 tỷ đồng; Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) lại tăng nhẹ lên 1.838 tỷ đồng; Tài sản tài chính sẵn sàng để bán (AFS) cũng tăng nhẹ lên 1.764 tỷ đồng...
Trong tài sản FVTPL, danh mục chiếm phần lớn là chứng chỉ tiền gửi 811 tỷ đồng và các trái phiếu niêm yết 201 tỷ đồng, còn cổ phiếu niêm yết ghi nhận 29 tỷ đồng.
Phía nguồn vốn, nợ phải trả trên 7.540 tỷ đồng, tăng 22% so với đầu năm. Trong đó, vay ngắn hạn của MBS ở mức 7.286 tỷ đồng, tăng 34% so đầu kỳ.