DLG bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động

Tập đoàn Đức Long Gia Lai (HoSE: DLG) vừa có giải trình về việc chậm công bố thông tin về thông báo mở thủ tục phá sản của Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai.
Cụ thể, ngày 25/7, Tòa án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã có thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với DLG theo đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của CTCP Lilama 45.3.
Thông báo yêu cầu DLG trong thời hạn 30 ngày, công ty phải nộp cho Tòa án văn bản ghi ý kiến của mình đối với yêu cầu mở thủ tục phá sản này và các tài liệu kèm theo.
Ngoài ra, riêng DLG trong thời hạn 15 ngày phải xuất trình cho Tòa án các giấy tờ, tài liệu như BCTC 3 năm gần nhất, giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán, bảng kê chi tiết tài sản, danh sách chủ nợ, kết quả thẩm định giá tài sản... 
Theo giải trình của DLG, sở dĩ việc công bố thông tin này chậm do lỗi của bộ phận pháp chế công ty.
Cụ thể, ngày nhận được thông báo này, Trưởng bộ phận pháp chế có người thân bị ốm nặng đã phải về quê chăm sóc cho đến nay vẫn chưa trở lại làm việc, không kịp thời báo cáo cho Ban lãnh đạo công ty và bàn giao lại văn bản để thực hiện công bố thông tin.
DLG bi yeu cau mo thu tuc pha san, kiem toan nghi ngo kha nang hoat dong
 
Đối với yêu cầu của Lilama 45.3 về việc mở thủ tục phá sản đối với DLG, công cho biết hiện đang gặp phải khó khăn tài chính tạm thời do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 từ năm 2020-2023; khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga - Ukraina căng thẳng kéo dài.
Trong nước, việc áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ, lãi suất ngân hàng tăng cao, việc tiếp cận vốn rất khó khăn khiến nhiều doanh nghiệp trong cả nước đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn và DLG cũng không phải ngoại lệ.
Mặc dù vậy, công ty vẫn đang khắc phục một cách hiệu quả và đang tổ chức sản xuất kinh doanh bình thường.
"Công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỷ đồng; nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho đối tác, khách hàng, ngân hàng cũng như công nợ phải thu từ các đối tác", thông báo của DLG khẳng định.
Còn khoản nợ của Lilama 45.3 là rất nhỏ, chỉ chiếm chưa đến 0,3% tổng tài sản của DLG, hoàn toàn nằm trong khả năng thanh toán, do đó không thuộc đối tượng phải áp dụng luật phá sản.
DLG cho biết đã rất thiện chí làm việc với Lilama 45,3 đề ra lộ trình trả nợ, sẵn sàng trả nợ cho Lilama 45.3 sau khi hai bên thống nhất lộ trình thanh toán, nhưng phía Lilama 45.3 vẫn chưa đồng ý. 
Cũng cần lưu ý, tại báo cáo tài chính soát xét 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị kiểm toán có ý kiến ngoại trừ, tại ngày 30/6/2023, khoản lỗ thuần luỹ kế của DLG là 2.042 tỷ đồng và các khoản nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản ngắn hạn là 1.223 tỷ đồng.
DLG đã có kế hoạch thanh lý, nhượng bán tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh và dòng tiền để trả nợ cho ngân hàng trong giai đoạn từ 2023 đến 2025.
Tuy nhiên, đơn vị kiểm toán chưa thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp để xác định giá trị của các tài sản đảm bảo theo đánh giá của DLG.
Do đó, đơn vị kiểm toán chưa thể xác định được giá trị của các tài sản đảm bảo, tài sản được bảo lãnh có phù hợp với kế hoạch trả nợ của DLG hay không. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng hoạt động liên tục của DLG. 
Được biết, nợ phải trả tại thời điểm cuối tháng 6/2023 của DLG là hơn 4.568 tỷ đồng, trong đó vay nợ tài chính ngắn hạn chiếm 1.171 tỷ đồng và vay nợ tài chính dài hạn 1.774 tỷ đồng vẫn xấp xỉ đầu kỳ. 
Phải trả người bán ngắn hạn khác chiếm 280 tỷ đồng và phải trả ngắn hạn khác lên tới 659 tỷ đồng. Trong đó, riêng khoản phải trả cho Lilama 45,3 là hơn 31 tỷ đồng.
Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 ở mức 511 tỷ đồng, giảm 29% so cùng kỳ. Dù vậy DLG vẫn có lãi ròng 27,5 tỷ đồng, khả quan hơn mức lỗ 370 tỷ của cùng kỳ. 
Minh An

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN