Tính đến 2/8, hầu hết doanh nghiệp trên sàn đều đã công bố báo cáo tài chính quý II/2024. Bên cạnh những công ty báo lãi kỷ lục, vẫn có những đơn vị thua lỗ. Tuy nhiên, quý vừa rồi không xuất hiện những khoản lỗ nghìn tỷ đồng như cùng kỳ các năm trước. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã nỗ lực ít nhiều để kết quả được cải thiện hơn.
Trong top 20 doanh nghiệp lỗ lớn quý II dưới đây, hầu hết là những gương mặt quen thuộc. Một trong những doanh nghiệp lỗ lớn trong quý vừa rồi là Công ty Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (NSH Petro - Mã: PSH). Công ty này đã chìm trong khó khăn nhiều quý liền.
Doanh thu quý II lao dốc 93% chỉ còn 46 tỷ đồng, qua đó khiến công ty lỗ nặng 344 tỷ đồng, kéo dài chuỗi lỗ liên tiếp trong 3 quý gần đây.
Tính chung nửa đầu năm, NSH Petro ghi nhận doanh thu sụt giảm 88% còn 525 tỷ đồng. Tổng mức lỗ bán niên gần 374 tỷ đồng, chuyển biến xấu so với khoản lãi 266 tỷ cùng kỳ năm ngoái.
Mới đây, doanh nghiệp này đã có văn bản báo cáo về các biện pháp khắc phục lỗ và lộ trình khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo.
Ngày 27/6, công ty đã ký hợp đồng tín dụng với đối tác Acuity Funding, đơn vị hợp tác tài trợ vốn để phát triển các dự án trong và ngoài địa bàn Hậu Giang, sẽ giúp đẩy nhanh các hoạt động tăng doanh thu cho công ty.
Lãnh đạo doanh nghiệp khẳng định với nguồn tín dụng dài hạn 20 năm từ Acuity Funding sẽ hỗ trợ nhiều cho công ty trong việc tái cấu trúc thanh toán các khoản nợ thuế, nợ trái phiếu, bổ sung vốn lưu động...còn tồn đọng hiện nay.
"Thời điểm hiện tại công ty cơ bản hoàn tất các thủ tục cho khoản vay, còn hoàn thiện một số hồ sơ với Acuity Funding, kế hoạch nguồn vay sẽ được giải ngân vào giữa quý III", công ty thông báo và nêu thêm lộ trình khắc phục các khoản nợ.
NSH Petro cho biết sẽ khắc phục số tiền bị cưỡng chế tại cục thuế Hậu Giang (giá trị gần 1.140 tỷ đồng) và số tiền bị cưỡng chế tại cục thuế Cần Thơ (giá trị gần 93 tỷ đồng) ngay trong tháng 8.
Đồng thời, công ty sẽ kiểm kê đầy đủ hàng hóa gửi tại CTCP Dầu khí Đông Phương số tiền hơn 131 tỷ đồng; tại kho Cần Thơ số tiền gần 51 tỷ đồng và tại kho chi nhánh Trà Vinh gần 26 tỷ đồng.
Sau khi khắc phục các vấn đề tồn đọng trên, NSH Petro tin rằng các Cục thuế sẽ gỡ cưỡng chế hóa đơn, khi đó công ty có thể tiếp tục hoạt động kinh doanh và xuất hóa đơn bán hàng đầy đủ theo quy định.
|
TOP 20 doanh nghiệp lỗ lớn quý II/2024. |
Trong danh sách được thống kê dưới đây, có nhiều doanh nghiệp là “gương mặt” quen thuộc khi thường xuyên báo lỗ lớn.
Chẳng hạn, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico - Mã: HNG) lại ghi nhận một quý thua lỗ với 326 tỷ đồng trước thuế.
Nguyên nhân là trong kỳ công ty chỉ tập trung chăm sóc và khai thác trên 833 ha diện tích vườn chuối có hiệu quả, so với cùng kỳ là 1.891 ha. Phần diện tích còn lại đã dừng chăm sóc để tập trung nguồn lực tiến hành đầu tư mới đối với hạ tầng kỹ thuật và cơ sở vật chất; đẩy mạnh tập trung vào công tác quy hoạch, đầu tư đồng bộ cho nhu cầu sản xuất kinh doanh. Theo đó, công ty xác định và ghi nhận khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho với giá trị 178 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty đối mặt với tình trạng thiếu công nhân cạo mủ cao su, cùng với sản lượng khai thác đầu mùa vụ thấp. Ngoài ra, chi phí giá vốn vườn cây cao su lớn, chủ yếu là chi phí khấu hao dẫn đến doanh thu không bù đủ chi phí.
Tại ngày 30/6/2024, HAGL Agrico ghi nhận lỗ lũy kế 8.472 tỷ đồng.
Vì thua lỗ ba năm liên tiếp nên mới đây, HOSE đã ra thông báo huỷ niêm yết đối với cổ phiếu HNG. Ban lãnh đạo HAGL Agrico kỳ vọng đến 2025 sẽ có doanh thu ổn định và bắt đầu có lãi. Khi có lãi sẽ có thể xin niêm yết trở lại trên HoSE.
CTCP Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc - Mã: DHB) cũng là cái tên thường xuyên xuất hiện trong danh sách thua lỗ, với mức lỗ luỹ kế tính đến hết 30/6 hơn 2.200 tỷ đồng. Đây là hậu quả của dự án mở rộng Nhà máy đi vào hoạt động, nợ vay quá nhiều khiến lãi chồng lãi, cộng bới thêm giá nguyên liệu đầu vào tăng cao khiến doanh thu không đủ bù đắp chi phí.
Riêng trong quý II/2024, công ty lỗ hơn 137 tỷ đồng. Theo giải trình, nguyên nhân khiến công ty thua lỗ trong quý vừa rồi là do tình hình sản xuất không thuận lợi vì thời tiết diễn biến bất thường, nắng nóng mưa giông nhiều, đặc biệt là xảy ra sét đánh nhiều lần làm đứt đường dây truyền tải điện của công ty khiến dây chuyền sản xuất phải ngừng đột xuất.
Khi công ty tiến hành khắc phục các sự cố do điện lưới, chạy máy trở lại phát hiện có phát sinh dò thiết bị nên phải ngừng máy dài ngày để khắc phục và kết hợp đại tu bảo dưỡng sửa chữa lớn. Vì vậy, thời gian chạy máy giảm 45 ngày so với kế hoạch, không có sản phẩm.
Bên cạnh đó, giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, đặc biệt là giá than vẫn giữ ở mức cao cũng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của công ty.
|
TMT Motors lỗ kỷ lục hơn trăm tỷ đồng do phải xả hàng tồn kho, kích cầu tiêu dùng. |
Một trường hợp đặc biệt là CTCP Ô tô TMT (TMT Motors – Mã: TMT) khi lần đầu tiên góp mặt trong top những công ty lỗ lớn.
Việc kinh doanh dưới giá ốn là nguyên nhân khiến công ty thua lỗ trong quý này, với mức lỗ kỷ lục hơn trăm tỷ đồng trước thuế.
Theo TMT Motors, tình hình kinh tế năm 2024 gặp nhiều khó khăn, các lĩnh vực như bất động sản đóng băng, đầu tư công giảm mạnh, nguy cơ lạm phát gia tăng, và người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này đã khiến nhu cầu tiêu thụ ô tô giảm sâu, dù các doanh nghiệp sản xuất và phân phối ô tô, bao gồm TMT, đã liên tục giảm mạnh giá bán để giải phóng hàng tồn kho.
Trong năm 2024, để đảm bảo thanh khoản và giảm chi phí lãi vay, TMT đã phải giảm giá mạnh để xả hàng tồn kho, dẫn đến lỗ gộp 49 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công ty cũng lên kế hoạch cơ cấu lại các dòng sản phẩm, hướng tới các sản phẩm mới tốt hơn.