Ngày 10/1, ĐHĐCĐ bất thường của CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (HoSE: DCM) đã bàn về việc áp dụng thuế GTGT đối với các sản phẩm phân bón, kế hoạch đầu tư năm 2024, triển vọng mảng NPK, quyết toán chi phí khí đầu vào và lấy ý kiến cổ đông về đề xuất sửa đổi ngành nghề kinh doanh, bãi bỏ điều lệ hoạt động của quỹ khoa học công nghệ, và bầu thành viên HĐQT mới.
Cụ thể, về đề xuất sửa đổi Luật thuế GTGT, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế suất GTGT đầu ra 5% đối với các sản phẩm phân bón. DCM ước tính chi phí thuế GTGT đầu vào hàng năm là 300 tỷ đồng. Nếu áp dụng thuế GTGT 5% cho phân bón, công ty có thể tiết kiệm 140-200 tỷ đồng/năm.
Theo các chuyên gia trong ngành, đề xuất này của Bộ Tài chính sẽ được thảo luận tại kỳ họp Quốc hội trong tháng 6/2024. Nếu đề xuất này được thông qua vào tháng 12/2024, thuế GTGT mới sẽ có hiệu lực từ 1/1/2025.
Theo Chứng khoán Vietcap (VCSC), việc áp dụng thuế suất GTGT đầu ra 5% đối với sản phẩm phân bón có thể tác động tích cực nhẹ đến lợi nhuận của DPM và DCM.
Với mảng NPK, DCM ước tính ghi nhận khoản lỗ 40 tỷ đồng trong năm 2023, thấp hơn nhiều so với kế hoạch lỗ ròng 143 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho rằng nguyên nhân lỗ mảng NPK là do chi phí marketing và quảng cáo cao, điều này cần thiết để thâm nhập thị trường NPK.
Ngoài ra, DCM đang tiến hành mua lại Công ty TNHH Phân bón Hàn-Việt (KVF). Tuy nhiên, các thông tin chi tiết hơn liên quan đến chiến lược phát triển KVF sau khi mua lại vẫn chưa được công bố.
Về vấn đề quyết toán chi phí khí đầu vào, DCM ước tính việc quyết toán chi phí khí đầu vào thực tế năm 2022 là tiềm năng tăng thêm hơn 40 tỷ đồng đối với lợi nhuận sau thuế 2023 của DCM.
Trong khi đó, chi phí khí đầu vào thực tế năm 2023 vẫn chưa được quyết toán. Ban lãnh đạo kỳ vọng việc quyết toán sẽ là tiềm năng hỗ trợ cho lợi nhuận trước thuế sơ bộ năm 2023 của DCM.
DCM ước tính lợi nhuận trước thuế sơ bộ năm 2023 đạt 1 nghìn tỷ đồng. Cũng cần lưu ý rằng DCM đã ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn cho chi phí khí đầu vào là 1,3 nghìn tỷ đồng (bao gồm 600 tỷ đồng cho năm 2022 theo DCM) tính đến cuối quý 3/2023.
Về thị trường urê năm 2024, theo ban lãnh đạo DCM, sản lượng urê xuất khẩu từ Trung Quốc có thể giảm do giá urê nội địa tại Trung Quốc cao hơn giá xuất khẩu và chính phủ Trung Quốc ưu tiên an ninh lương thực quốc gia. VCSC tin rằng đây là động lực chính cho triển vọng giá urê tăng nhẹ trong năm 2024.
Về vốn xây dựng cơ bản (XDCB) năm 2024, theo ban lãnh đạo DCM, kế hoạch vốn XDCB của DCM là 1,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2024, bao gồm hơn 400 tỷ đồng để mua lại KVF. Ngoài khoản chi này, kế hoạch vốn XDCB năm 2024 bao gồm chi phát triển kho bãi để hỗ trợ việc phân phối sản phẩm, phát triển hệ thống xuất khẩu và phát triển một số dự án hóa chất (carbon dioxide và argon).
DCM đang xây dựng trung tâm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tại tỉnh Long An. Theo DCM, vốn đầu tư cho dự án này là 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, cổ đông chấp thuận đề xuất của DCM về việc bổ sung quảng cáo là một ngành nghề kinh doanh mới, mục đích là cung cấp dịch vụ quảng cáo trên ứng dụng di động 2 Nông và các nền tảng mạng xã hội liên quan.
Ngoài ra, DCM được chấp thuận sửa đổi chi tiết của một số ngành nghề kinh doanh. Cổ đông cũng thông qua việc DCM bãi bỏ điều lệ hoạt động của quỹ khoa học công nghệ của công ty.
ĐHCĐ bất thường cũng đã thông qua việc ông Trần Ngọc Nguyên và ông Nguyễn Đức Thuận trở thành thành viên HĐQT. Ông Trần Ngọc Nguyên hiện là Chủ tịch HĐQT DCM. Ông Nguyễn Đức Thuận, thay thế cho ông Trần Mỹ, hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Bao bì Dầu khí Việt Nam (HNX: PBP) – công ty con mà DCM sở hữu 51,03% cổ phần, có 27 năm kinh nghiệm trong ngành dầu khí.