Ông phân tích, trong chu kỳ của "bong bóng" bất động sản, ngân hàng cho người đầu cơ vay và công ty bất động sản vay quá nhiều dẫn đến dư thừa nguồn cung nhà ở trên thị trường.
Đến một thời điểm, nguồn cung tín dụng cạn kiệt, khiến giá nhà sụt giảm và hoạt động xây dựng đình trệ. Thị trường khi đó sẽ mất nhiều năm để tiêu thụ nguồn cung nhà ở dư thừa đang để trống. Đây không phải là điều đang xảy ra ở Việt Nam.
Hoạt động xây dựng đang dừng lại như không phải vì dư thừa nguồn cung; tỷ lệ nhà trống tại Việt Nam là dưới 5%. Hoạt động phát triển bất động sản tại Việt Nam đang dừng lại do một số vấn đề liên quan đến quy định pháp lý khiến các dự án mới khó được phê duyệt, cũng như vấn đề cấp vốn cho các dự án ở những khu đô thị hiện hữu.
Quan trọng nhất, giá nhà ở tại Việt Nam đã không giảm do nhu cầu mua nhà đang lớn hơn nguồn cung với tỷ lệ 2-1.
Tâm lý tiêu cực thái quá
Ông Michael Kokalari cho rằng người tiêu dùng và người mua nhà tại Việt Nam dường như chưa hiểu rõ vấn đề của thị trường bất động sản, dẫn đến phản ứng hạn chế chi tiêu.
Gần đây, một số dự án có vị trí đẹp được phát triển bởi các công ty lớn đã mở bán rất thành công, với hơn 80% sản phẩm được bán hết.
Thị trường có niềm tin rằng cuối tháng này, Quốc hội sẽ tổ chức phiên họp đặc biệt để tháo gỡ những vấn đề còn lại của thị trường bất động sản, điều này cũng có thể hỗ trợ cho thị trường chứng khoán. Có một số chỉ báo cho thấy Chính phủ rất quyết tâm xử lý những vấn đề của thị trường bất động sản.
Nguồn thu từ chi phí sử dụng đất của các dự án được phê duyệt năm 2024 dự kiến sẽ tăng 70% so với năm ngoái, cho thấy số lượng dự án được phê duyệt sẽ tăng mạnh. Chính phủ cũng đã chỉ đạo xử lý các vấn đề pháp lý đang khiến một số dự án bị đình trệ.