Cụ thể, doanh thu thuần của DHB đạt tới 1.946 tỷ đồng, tăng vọt 98% so cùng kỳ 2021. Ngược lại, giá vốn hàng bán lại giảm gần 11% khi chỉ chiếm 857 tỷ đồng. Nhờ đó lợi nhuận gộp gấp hơn 54 lần cùng kỳ khi đạt 1.088,6 tỷ đồng. Tương ứng biên lợi nhuận tăng mạnh từ 2% của cùng kỳ lên gần 56%.
Sau khi trừ các loại chi phí, Đạm Hà Bắc ghi nhận lợi nhuận trước thuế 868 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ nặng tới 249 tỷ đồng. Lãi lớn là vậy, song Đạm Hà Bắc vẫn còn lỗ luỹ kế tới 3.885 tỷ đồng.
Theo DHB, giá bán và doanh thu bán hàng tăng trưởng mạnh do diễn biến thị trường thuận lợi, giá ure, NH3 thế giới và trong nước đều xu thế tăng cao so với cùng kỳ.
Ngược lại, công ty cũng gặp khó khăn khi xung đột giữa Nga và Ukraina bùng nổ đẩy giá dầu, giá than và các loại vật tư, nguyên liệu đầu vào khác tăng cao, nguồn than trong trình trạng bị thiếu hụt.
Tính đến 31/3/2022, tổng tài sản của Đạm Hà Bắc giảm 3,7% về mức 7.652 tỷ đồng. Hàng tồn kho giảm còn hơn nửa, ở mức 283 tỷ đồng.
Về nguồn vốn, tổng nợ vay tài chính tới 4.710 tỷ đồng, giảm 21,6% so với đầu năm. Trong đó, nợ vay ngắn hạn giảm 26,6% về mức 2.050 tỷ đồng, vay dài hạn giảm 17% về 2.660 tỷ đồng.
Năm 2022, Đạm Hà Bắc đặt kế hoạch tổng doanh thu 4.498,3 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 8,8 tỷ đồng. Như vậy, chỉ riêng quý 1/2022, doanh thu của Đạm Hà Bắc đã đạt 43% kế hoạch năm, còn lợi nhuận trước thuế gấp gần 99 lần kế hoạch cả năm.
|
Kế hoạch năm 2022 của Đạm Hà Bắc |
Tái cơ cấu tài chính Đạm Hà Bắc là phương án tốt nhất cho tất cả các bên
Vừa qua, ngày 1/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã làm việc tại Đạm Hà Bắc, nghe các phương án tháo gỡ khó khăn cho Dự án cải tạo, mở rộng Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc – một trong 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương.
Tại buổi gặp gỡ, lãnh đạo Đạm Hà Bắc đã có chia sẻ, bên cạnh kết quả sản xuất kinh doanh đang có dấu hiệu khởi sắc, khoản lỗ lũy kế trong 5 năm qua của công ty vẫn còn rất lớn. Nguyên nhân cơ bản là do giá nguyên vật liệu đầu vào tăng và chi phí tài chính rất lớn. Đạm Hà Bắc đang vay của các ngân hàng với lãi suất cao và phải chịu lãi phạt (do không trả đúng hạn), dẫn đến lãi chồng lãi.
“Nếu không tái cơ cấu tài chính thì Đạm Hà Bắc khó có thể phát triển ổn định, bền vững”, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) bày tỏ và cho biết, theo phương án tính toán của Vinachem, nếu tái cơ cấu Đạm Hà Bắc sẽ lãi khoảng 828 tỷ đồng/năm.
Theo đó, Vinachem xây dựng 4 phương án xử lý vấn đề của Đạm Hà Bắc là: Chuyển vốn vay thành vốn góp; cơ cấu lại tài chính; bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp; cho phá sản doanh nghiệp.
Trên cơ sở đánh giá ưu, nhược điểm của từng phương án, Vinachem đề xuất lựa chọn phương án tái cơ cấu lại các khoản nợ ngân hàng của Đạm Hà Bắc, với những giải pháp như: Khoanh nợ, giãn nợ, dừng tính phạt trên số tiền gốc, tiền lại chậm trả…
Còn lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho biết, thời gian qua Ủy ban đã cùng với Tập đoàn và nhà máy đã bàn thảo, xây dựng các phương án tái cơ cấu. Sau khi tính toán kỹ lưỡng các mặt, Ủy ban và doanh nghiệp đã đồng thuận lựa chọn đề xuất lựa chọn phương án tái có cấu tái chính. Đồng thời, mong muốn các cơ quan liên quan và cấp có thẩm quyền sớm quyết định để tháo gỡ khó khăn cho Đạm Hà Bắc.
Đến thời điểm hiện tại, tất cả các chỉ số sản xuất, kinh doanh của Đạm Hà Bắc đều tốt. Trừ chỉ số tài chính. Do đó, nếu không cơ cấu lại, để tiếp tục lãi chồng lãi, phạt chồng phạt, lãi mẹ đẻ lại con, thì Đạm Hà Bắc “suốt đời gánh nợ” và không thể thoát khỏi tình trạng khó khăn hiện tại. Do đó, các ý kiến đều thống nhất lựa chọn phương án tái cơ cấu tài chính Đạm Hà Bắc. Bởi đây là phương án tốt nhất cho tất cả các bên.
Về xử lý khó khăn cho doanh nghiệp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ: Việc tìm giải pháp để xử lý yếu kém của Đạm Hà Bắc là yêu cầu cấp bách. Công ty đang nợ số tiền lớn. Nếu để lâu, vốn ngày càng mất đi, lỗ nhiều hơn, do đó phải có giải pháp khả thi, xử lý dứt điểm, không để kéo dài.
Phó Thủ tướng cho biết, vừa qua, Bộ Chính trị đã nhất trí đưa 5 dự án ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ, tồn tại kéo dài của ngành Công Thương để các tập đoàn, tổng công ty thực hiện các giải pháp tiếp theo tháo gỡ khó khăn, đưa dự án vào hoạt động hiệu quả đạt mục tiêu đề ra.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp tiếp thu ý kiến các bộ, ngành tại buổi làm việc, tiếp tục chỉ đạo Đạm Hà Bắc hoàn thiện phương án tái cơ cấu, tổng hợp cùng những dự án còn lại để báo cáo Bộ Chính trị, chậm nhất phải có đề án hoàn chỉnh vào tháng 9/2022.