Sáng 25/4, MB (HoSE: MBB) họp cổ đông thường niên 2022, lên kế hoạch lợi nhuận trước thuế 20.300 tỷ đồng, tăng 23% so với năm 2021. Trong trường hợp kinh tế vĩ mô diễn biến khó khăn, ngân hàng dự kiến lợi nhuận đạt 19.000 tỷ đồng, tăng 15%.
Tổng tài sản đặt mục tiêu tăng 15% lên 700.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 24% lên 46.882 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng tăng 16% và theo hạn mức được Ngân hàng Nhà nước giao.
Đề cập đến cơ cấu dư nợ, CEO MB, ông Lưu Trung Thái cho biết, tỷ trọng cho vay lĩnh vực bất động sản kinh doanh (gồm bất động sản công nghiệp và nhà ở) chiếm 10%, đầu tư trái phiếu bất động sản chiếm hơn 3%.
Ông Thái cũng cho biết dư nợ cơ cấu lại do ảnh hưởng bởi Covid-19 hiện chiếm 1,68% tổng dư nợ. Ngân hàng đặt mục tiêu xử lý 95-99% lượng dư nợ này, hiện nay đã thực hiện 80-85%.
Nhận chuyển giao một tổ chức tín dụng
Tại đại hội, HĐQT cũng trình đề cập nhằm mục tiêu tận dụng các cơ hội tăng trưởng quy mô nhanh chóng so với tốc độ hiện nay, củng cố và nâng hạng vị thế trên thị trường, MB sẽ tìm kiếm, lựa chọn và triển khai Phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng, theo chủ trương, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và nghị quyết đại hội cổ đông.
Ông Lưu Trung Thái cho biết danh tính ngân hàng chuyển giao bắt buộc chưa thể tiết lộ, tuy nhiên có một số chỉ tiêu yêu cầu đối với đơn vị này là giá trị tài sản không quá 10% tổng tài sản của MB và lỗ lũy kế dưới 20.000 tỷ đồng. Sau khi nhận chuyển giao đơn vị trên, MB cũng sẽ được nhận một số hỗ trợ từ NHNN như khoản vay với lãi suất 0% trong thời gian tái cơ cấu.
Ban lãnh đạo ước tính sau 7-8 năm có thể giải quyết lỗ lũy kế của ngân hàng chuyển giao. Sau đó, MB có thể sáp nhập để tăng quy mô tài sản hoặc IPO và bán cổ phần như một khoản đầu tư, "sẽ không thể trả lại ngân hàng nhận chuyển giao cho NHNN", ông Thái chia sẻ.
Tổng giám đốc đề cập MB kỳ vọng sẽ thực hiện thành công phương án nhận chuyển giao bắt buộc tổ chức tín dụng, mở ra cơ hội để tăng tốc 1,5 - 2 lần quy mô tài sản, tín dụng, mạng lưới, góp phần sớm hoàn thành mục tiêu Chiến lược phục vụ trên 20 triệu khách hàng.
|
Phiên họp cổ đông thường niên MB 2022. Ảnh: L.H
|
MB được áp dụng một số quyền và lợi ích theo quy định của pháp luật như không phải thực hiện hợp nhất báo cáo tài chính của tổ chức được chuyển giao bắt buộc, được loại trừ TCTD được chuyển giao bắt buộc khi tính tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất...
Việc tối ưu mạng lưới kênh phân phối của MB và TCTD được chuyển giao bắt buộc (dự kiến khoảng 401 điểm mạng lưới trên toàn quốc) cùng với các điều kiện ưu tiên được phát triển mạng lưới trong tương lai sẽ giúp MB tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư, tăng độ bao phủ phục vụ khách hàng theo chiến lược bán lẻ và chuyển đổi số của MB.
Trong thời gian thực hiện phương án chuyển giao bắt buộc, ngân hàng được xử lý phần vốn góp, xử lý cổ phần dưới các hình thức phù hợp hoặc sáp nhập theo phương án chuyển giao bắt buộc được phê duyệt, qua đó MB có cơ hội tạo giá trị thặng dư vốn và/hoặc tăng quy mô.
Tăng vốn điều lệ lên gần 47.000 tỷ đồng
Tại đại hội, HĐQT cũng trình cổ đông kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 37.783 tỷ đồng lên 46.882 tỷ đồng.
MB sẽ tiếp tục triển khai phương án tăng vốn điều lệ thêm 892,4 tỷ đồng đã được đại hội thông qua năm 2021, gồm phát hành cổ phiếu riêng lẻ 70 triệu cổ phần cho Viettel, phát hành 19,24 triệu cổ phiếu ESOP.
Ngân hàng sẽ trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng 755,6 triệu cổ phiếu để trả cổ tức. Đồng thời, MB sẽ chào bán 65 triệu cổ phiếu riêng lẻ. Giá chào bán thỏa thuận, không thấp hơn giá trị sổ sách. Thời gian thực hiện chào bán trong năm nay và sau.
Với số vốn tăng thêm, ngân hàng sẽ dùng 5.811 tỷ đồng đều đầu tư năng lực, bao gồm đầu tư hệ thống, giải pháp công nghệ thông tin, đầu tư trụ sở của MB tại khu vực TP HCM và đầu tư khác cần thiết cho việc ổn định phát triển hoạt động kinh doanh của ngân hàng. Ngoài ra, 3.288 tỷ đồng còn lại, ngân hàng sẽ dùng để bổ sung vốn đầu tư kinh doanh.