Coteccons báo lỗ lần đầu sau 1 năm về tay Kusto

Sau một năm về tay Kusto, Coteccons báo lỗ 12 tỷ đồng vì không lý được hợp đồng và bị đóng băng do Covid.
CTCP Xây dựng Coteccons (CTD) công bố BCTC hợp nhất quý 3/2021 với doanh thu giảm mạnh 61% xuống còn 1.070 tỷ đồng. Hoạt động xây dựng chiếm tỷ trọng lớn, chỉ một phần nhỏ đến từ những mảng kinh doanh khác như bán hàng, cho thuê văn phòng, thiết bị xây dựng.
Khấu trừ giá vốn, lợi nhuận gộp Công ty giảm mạnh chỉ còn vỏn vẹn 1/10 cùng kỳ, xấp xỉ 17 tỷ đồng. Song song, biên lãi gộp cũng thu hẹp mức 6% về còn 1,6%.
Trừ thêm các chi phí và thuế, CTD lỗ ròng gần 12 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 89 tỷ đồng. Đây cũng là quý đầu tiên CTD thua lỗ sau một năm về tay Kusto, cũng là khoản lỗ đầu tiên từ khi công ty niêm yết trên sàn chứng khoán cách đây hơn mười năm.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm, doanh thu CTD giảm từ mức 10.332 tỷ đồng xuống còn 6.189 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế vào mức 87,5 tỷ đồng, giảm 76% so với 9 tháng đầu năm ngoái.
Coteccons bao lo lan dau sau 1 nam ve tay Kusto
 
Ban lãnh đạo Coteccons lý giải, việc tái cấu trúc trong năm 2020 tác động không nhỏ đến kết quả kinh doanh. Công ty gần như không ký được hợp đồng mới từ giữa đến cuối năm ngoái nên giá trị hợp đồng chuyển sang năm nay chỉ đạt gần 9.000 tỷ đồng, giảm 57% so với cùng kỳ.
Điều này cộng thêm việc các công trình ở TP HCM phải tạm dừng thi công, thị trường bất động sản bất ổn và giá nguyên vật liệu tăng cao trong quý 3 khiến doanh thu và biên lợi nhuận gộp giảm mạnh.
Tính đến ngày 30/9, tổng tài sản CTD có hơn 13.011 tỷ đồng, giảm hơn 1.100 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tổng tiền, tương đương tiền và tiền gửi có kì hạn là 2.990 tỷ đồng, giảm 11%.
Khoản phải thu ngắn hạn của khách hàng giảm từ 7.562 tỷ đồng xuống còn 6.318 tỷ đồng, tuy nhiên khoản dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tăng từ 494 tỷ đồng lên 550 tỷ đồng.
Khoản phải thu về cho vay tăng đột biến từ 262 tỷ đồng hồi đầu năm lên 719 tỷ đồng. Theo thuyết minh thì đây là các khoản đầu tư trái phiếu vào CTCP Thiết bị điện (Thibidi, THI), Novaland (NVL), CTCP Nước – Môi trường Bình Dương (Biwase, BWE) và Vinpearl.
Nợ phải trả vào thời điểm cuối kỳ cũng giảm khoảng 1.000 tỷ đồng, còn 4.700 tỷ đồng.
Đáng kể, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh bắt đầu dương trở lại vào quý 2 sau 13 quý âm liên tục và tiếp tục duy trì trong quý 3 do công ty thắt chặt quản lý dòng tiền, tập trung vào thu hồi công nợ.
Anh Nhi

ĐỘC GIẢ BÌNH LUẬN